Nâng cao đạo đức cán bộ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Vietcombank An Giang - Kỳ 2: Chuẩn mực đạo đức ngành ngân hàng

14/09/2023 - 09:12

 - Mỗi nghề nghiệp đều có chuẩn mực riêng và mong muốn người hành nghề hoàn thiện bản thân để hướng đến chuẩn mực đó. Chính vì vậy, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là mục tiêu để cá nhân điều chỉnh hành vi của mình sao cho hợp lý hơn, để từ đó nâng cao những phẩm chất đạo đức của người cán bộ ngân hàng, xây dựng hình ảnh đẹp của ngân hàng với xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của ngành trong bối cảnh hiện nay.

Các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng:[1]

Tính tuân thủ: Cán bộ ngân hàng phải tôn trọng và tuân thủ nghiêm luật pháp, các quy định, quy trình nghiệp vụ của ngành và của nội bộ ngân hàng. Không được đồng lõa, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, quy định của ngành và của nội bộ; tránh để bị tác động, can thiệp dẫn tới làm trái quy định pháp luật.

Sự cẩn trọng: Cán bộ ngân hàng phải luôn cẩn thận, kỹ lưỡng, cân nhắc thấu đáo, lường đoán kỹ mọi rủi ro để phòng ngừa; thận trọng trong giao tiếp và giữ kỷ luật phát ngôn; tự giác chịu sự giám sát, kiểm soát theo quy định. Không được chủ quan, liều lĩnh, không được dễ dãi, cả tin; không làm tắt, bỏ qua các bước, các thủ tục trong quy trình nghiệp vụ đã quy định. Phải đề cao tinh thần tự chịu trách nhiệm, tránh để xảy ra sai sót, sơ suất trong quá trình giải quyết công việc.

Sự liêm chính: Cán bộ ngân hàng phải luôn tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh nghề nghiệp, giữ gìn sự liêm chính, minh bạch trong các mối quan hệ liên quan đến lợi ích tài chính và tiền bạc, trung thực, thẳng thắn, nghiêm túc với bản thân và với những người xung quanh. Phải có tinh thần trách nhiệm bảo vệ tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, tránh lãng phí; không được tham ô, vụ lợi hoặc tiếp tay cho hành vi tham ô, vụ lợi; không làm lơ khi thấy các hiện tượng sai trái xung quanh, báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm và gây hại cho lợi ích chung.

Nhân viên Vietcombank An Giang giao dịch với khách hàng

Sự tận tâm và chuyên cần: Cán bộ ngân hàng cần phải thực hiện công việc của mình với sự tận tâm và chu đáo; sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ với nỗ lực cao. Phải thường xuyên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, rèn luyện để tinh thông chuyên môn nghiệp vụ. Không được làm việc tắc trách, thiếu tập trung, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Tính chủ động, sáng tạo, thích ứng: Cán bộ ngân hàng cần phải rèn luyện tính tự giác và chủ động, sự tìm tòi, sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác; rèn luyện khả năng thích ứng trước sự thay đổi của môi trường và yêu cầu trong tình hình mới; không ngừng cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao các kỹ năng mềm của bản thân. Không ỉ lại, dựa dẫm, đẩy việc cho người khác; không bảo thủ, cứng nhắc, gây cản trở cho đổi mới, sáng tạo.

Ý thức bảo mật thông tin: Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật và của tổ chức về bảo mật an toàn thông tin nội bộ và thông tin khách hàng; không đưa ra thông tin sai lệch, thiếu chính xác, mang tính chủ quan cá nhân gây tổn hại đến tài sản, thương hiệu, uy tín của tổ chức, của ngành, gây hoang mang, lo ngại, ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng đối với ngân hàng. Lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu của ngân hàng theo đúng quy định. Không tùy tiện, sơ hở trong trao đổi thông tin, tình hình nội bộ.

Đẩy mạnh nâng cao đạo đức cán bộ

Để phát huy vai trò của tập thể trong việc giám sát các hoạt động kinh doanh hàng ngày, Vietcombank An Giang đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn thể người lao động về các quy trình, quy định nghiệp vụ cũng nhưng các quy định về đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, tổ chức quán triệt và phổ biến các quy định này đến từng người lao động.

Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về phát huy dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, có nhiều hình thức để các thành viên Vietcombank An Giang thực hiện quyền giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng, động viên những người kịp thời phát hiện, tố cáo các vụ, việc sai phạm của cán bộ, đảng viên; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, trù dập người phát hiện, tố cáo.

Để có được đội ngũ cán bộ có đầy đủ các phẩm chất về đạo đức, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân theo tiêu chí, chuẩn mực được xác định. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Đòi hỏi yêu cầu về đạo đức từng cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực hoạt động tài chính- ngân hàng hiện nay cần: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; tin tưởng vào thắng lợi của con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, luôn xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; có lòng nhân ái và gương mẫu về đạo đức, lối sống; thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Không ngừng học tập để nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; có tinh thần tự giác học tập, rèn luyện; tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tích cực, dũng cảm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình... Có như vậy, Chi nhánh Vietcombank An Giang mới xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có chuyên môn, tay nghề cao và phẩm chất đạo đức tốt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sự gương mẫu, tính tiên phong của cán bộ, đảng viên, coi đó là một phương pháp cơ bản trong giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức cần quán triệt, tổ chức cho cán bộ là đảng viên của chi nhánh thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương. Làm cho việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trở thành lẽ sống hằng ngày, tạo sức lan tỏa không những trong Đảng bộ mà còn đến những người lao động trong toàn chi nhánh, góp phần làm cho cái tốt, cái đẹp được nhân lên, cái xấu và cái tiêu cực bị đẩy lùi.

Cùng với đó, gắn bó mật thiết với người lao động, dựa vào tập thể để tuyên truyền, xây dựng các phẩm chất đạo đức cần thiết cho người lao động là chủ trương nhất quán của của Đảng ủy Chi nhánh Vietcombank An Giang.

Trong giai đoạn hiện nay, đạo đức của cán bộ ngân hàng ngày càng được quan tâm. Vì trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, khoảng cách giữa cái tốt và cái xấu là hết sức mong manh, đòi hỏi người cán bộ ngân hàng luôn giữ vững bản lĩnh, thường xuyên trau dồi tri thức và đạo đức nghề nghiệp.

Vietcombank An Giang tiếp tục khẳng định “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là hoạt động thường xuyên và liên tục để góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Vietcombank An Giang trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh.

VÕ NGUYÊN PHƯƠNG

[1] Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng