Phát triển chưa xứng tiềm năng
Thời gian qua, tỉnh An Giang nói chung, huyện Châu Phú nói riêng tiến hành đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động đối với HTX, chú trọng phát huy vai trò HTX và cung cấp dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp, như: Thủy lợi, khuyến nông, phân bón, thuốc phòng sâu bệnh. Đồng thời, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ... Nhìn chung, với đặc thù là địa phương đất rộng người đông, nhiều tiềm năng về tự nhiên và xã hội, trên 20 năm đổi mới, kinh tế - xã hội huyện Châu Phú (trong đó có nông nghiệp, nông thôn) phát triển khá toàn diện. Có được những thành quả đó, không thể không kể đến vai trò của các thành phần kinh tế, đặc biệt là hoạt động của HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012.
Tổng diện tích đất nông nghiệp của huyện gần 40.000ha, trong đó đất trồng lúa chiếm hơn 89%. Đất hình thành qua quá trình tranh chấp giữa biển và sông ngòi, tại vùng trũng của Tứ giác Long Xuyên, nên đa phần màu mỡ, tích tụ lượng lớn phù sa… Do vậy, tạo ra tiềm năng đa dạng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo UBND huyện Châu Phú, năm 2022, toàn huyện có 27 HTX (tăng 8 HTX so năm 2020), gồm: 23 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 2 HTX thủy sản, 1 HTX cây cảnh, 1 HTX giao thông. Tất cả HTX đã chuyển đổi đăng ký hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Tổng diện tích phục vụ 10.457ha (trong đó, diện tích đất của các thành viên là 3.560ha, chiếm 23,8% diện tích sản xuất).
Tuy nhiên, các HTX ở huyện Châu Phú tuy tăng về số lượng, nhưng đa phần chỉ phục vụ bơm tưới, đây là dịch vụ kinh doanh chính của HTX, chưa chú trọng phát triển đa dịch vụ và hiệu quả của dịch vụ kinh doanh. Trong 23 HTX nông nghiệp, có 10 HTX xếp loại tốt (tỷ lệ 43,5%), 11 HTX xếp loại khá (47,8%), 2 HTX xếp loại trung bình (8,7%). Tổng doanh thu bình quân của 1 HTX nông nghiệp đạt được trong năm 2022 là 450 triệu đồng (tăng 36 triệu đồng so năm 2018, tương ứng tăng 8%), chi phí bình quân 1 HTX 402 triệu đồng. Như vậy, lợi nhuận bình quân 48 triệu đồng/năm/HTX, tăng 17 triệu đồng so năm 2018. Lợi nhuận đem lại cho HTX chủ yếu từ nhóm dịch vụ nông nghiệp. Tỷ lệ chia lãi trên vốn góp bình quân của 1 thành viên là 5%/tháng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX khoảng 32 triệu đồng/năm (tăng 8 triệu đồng/năm so 2018). Mức thu nhập này vẫn còn rất thấp so tổng thu nhập bình quân toàn huyện.
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, các HTX nông nghiệp cần xây dựng tiêu chuẩn cho từng khâu dịch vụ mà HTX cung ứng cho khách hàng. Cần có chương trình đánh giá thái độ cung cấp dịch vụ của nhân viên từ các thành viên, để đánh giá nhân viên chính xác. Tiến hành quy trình quản lý dịch vụ theo tiêu chuẩn quản lý, quy trình kỹ thuật, nhãn mác, đóng gói bao bì… để có sản phẩm chất lượng cao. Về phương diện kỹ thuật, phải tăng cường chất lượng cung ứng dịch vụ, như: Thủy lợi, cày xới, cung ứng vật tư nông nghiệp…
Đối với dịch vụ có tiêu thụ điện lớn trong quá trình hoạt động (như dịch vụ bơm tưới) thì HTX nên bố trí lịch bơm nước vào giờ thấp điểm để giá thành hạ, phí thủy lợi thấp hơn bên ngoài HTX. Đối với dịch vụ mang tính thương mại, HTX nên tìm và ký kết hợp đồng dài hạn với doanh nghiệp lớn, uy tín để có lợi thế về giá trong quá trình trao đổi, mua bán. Đề nghị Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cho cán bộ chủ chốt của HTX để nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ quản lý. Ở mỗi chức danh, cần có nghiệp vụ chuyên môn cụ thể đáp ứng với cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới...
Về chính sách tín dụng, Nhà nước cần quan tâm đầu tư tín dụng cho khâu sản xuất, tạo việc làm cho nhiều người lao động, chú ý đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch, ngành nghề tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Về chính sách đào tạo, cần có kế hoạch, đề án đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX, xem đây là giải pháp quan trọng nhằm cung cấp nguồn nhân lực lâu dài cho HTX. Cải tiến nội dung đào tạo, tập huấn, bao gồm: Khởi sự kinh doanh, thị trường và marketing, chuỗi giá trị ngành hàng và kết nối thị trường, quản lý tài chính HTX nông nghiệp, quản lý tài chính nông hộ, phân tích hoạt động kinh doanh HTX nông nghiệp...
Ngoài ra, rất cần chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của HTX nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020), chính sách giao đất, cho thuê đất (chủ trương hỗ trợ mặt bằng giúp HTX xây dựng trụ sở làm việc), chính sách liên kết doanh nghiệp (hỗ trợ doanh nghiệp có vốn mạnh của tỉnh liên kết, tham gia góp vốn thành lập HTX kiểu mới theo Luật HTX để thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn”…).
PHAN VĂN PHONG