Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư

12/09/2023 - 10:12

 - Nhằm tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh đã tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, hoạt động này đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long.

Đầu tư vào nông nghiệp

Thực hiện kế hoạch xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tỉnh An Giang của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp các ngành, địa phương tích cực kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, tỉnh đã kêu gọi được 4 dự án đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, gồm: Dự án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây ăn trái; Dự án chuỗi liên kết sản xuất, nhà máy chế biến bột gạo/nếp, chế biến rau, củ, quả; Dự án khu phức hợp nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; Dự án chuỗi cung cấp con giống - trại nuôi heo thịt an toàn - lò giết mổ…

Nhiều dự án lớn đang trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trương Kiến Thọ, trong hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh đã đồng hành cùng 4 DN thực hiện các vùng ương nuôi cá tra tập trung theo hướng công nghệ cao, tham gia Đề án giống cá tra 3 cấp, gồm: Tập đoàn Việt - Úc (104ha); Công ty TNHH MTV Nam Việt Bình Phú (600ha); Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi (140ha); Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (48,3ha). Đặc biệt, đã hỗ trợ Công ty Cổ phần Trang trại bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao An Giang (Tập đoàn TH) triển khai thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa và khảo sát chọn địa điểm xây dựng nhà máy chế biến sữa công nghệ cao. Hỗ trợ Công ty TNHH Nông nghiệp Trường Hải An Giang (Tập đoàn THACO) triển khai dự án đầu tư 3 trại heo nái - heo thịt công nghệ cao THAGRICO tại huyện Tri TônTX. Tịnh Biên.

Tuy nhiên, An Giang vẫn đối mặt với khó khăn trong việc xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, như: Việc bố trí mặt bằng sạch và hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư, nhất là các dự án có quy mô sử dụng diện tích đất lớn; số lượng các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp, thiếu tính đồng bộ, liên kết...

Năm 2023, Sở NN&PTNT kêu gọi thêm các DN, tập đoàn mới đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn An Giang; phối hợp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, có mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và đạt tiêu chuẩn chất lượng gắn với liên kết tiêu thụ cùng DN theo chuỗi giá trị...

Đẩy mạnh cho công nghiệp

Theo Ban Quản lý (BQL) Khu Kinh tế tỉnh, năm 2022, tỉnh đã cung cấp các thông tin cho khoảng 50 DN trong, ngoài nước có nhu cầu đăng ký đầu tư, thuộc các ngành nghề: May mặc, kinh doanh các khu kios, chế biến hàng giá trị gia tăng, chế biến thủy sản, kinh doanh đóng gói cá basa, chế biến nông sản, lắp đặt linh kiện điện tử, sản xuất thuốc sát khuẩn, thuốc diệt khẩu, thuốc thủy sản sinh học... tại các khu công nghiệp trên toàn tỉnh.

An Giang tăng cường kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Trên cơ sở đó, đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án: Dự án nhà máy sản xuất giày dép và sản phẩm may mặc Samduk An Giang của Công ty TNHH Samduk Việt Nam (Hàn Quốc), Dự án nhà máy sản xuất và chế biến rau củ quả của Công ty Cổ phần Nông sản Phúc Tiến tại Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành); Dự án nhà máy may mặc xuất khẩu Xuân Tô của Công ty TNHH Chế biến Nông sản xuất khẩu Xuân Tô; Dự án nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc Sportline Apparel Việt Nam của Công ty Grand Sport Inc (Samoa) tại Khu công nghiệp Xuân Tô (TX. Tịnh Biên). Trong đó, dự án của Công ty Grandsport Inc (Samoa) và Công ty TNHH Chế biến Nông sản xuất khẩu Xuân Tô có tổng diện tích đất cho thuê 11,6ha, tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 518 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ mang đến động lực mới cho sự phát triển của TX. Tịnh Biên.

Theo Phó Trưởng BQL Khu Kinh tế tỉnh An Giang Nguyễn Hồng Quang, việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đã được tăng cường hơn trước. Các khu công nghiệp đã được xây dựng hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu cần thiết để mời gọi đầu tư nên ngày càng có nhiều DN trong và ngoài nước quan tâm.

Thời gian tới, BQL Khu Kinh tế tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành xây dựng, triển khai kế hoạch xúc tiến đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển các trung tâm tập kết trung chuyển hàng hóa, các loại hình dịch vụ logistics, thúc đẩy giao thương hàng hóa khu vực cửa khẩu theo hướng ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, vực dậy kinh tế - xã hội vùng biên giới nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế giao thương biên mậu, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Năm 2023, An Giang phấn đấu thu hút ít nhất 10 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh, gồm: Hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng khu đô thị, khu nhà ở; nông nghiệp; công nghiệp; thương mại - dịch vụ - du lịch; văn hóa - xã hội - môi trường, với tổng vốn đầu tư trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, mỗi lĩnh vực có ít nhất 1 dự án quy mô lớn có tính động lực, tạo sự lan tỏa cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh

 

THANH TIẾN