Nâng cao năng lực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

07/11/2023 - 14:12

Lũ quét, sạt lở đất là những hiện tượng thiên tai thường xuất hiện trong thời gian ngắn với diễn biến nhanh, cục bộ trong khu vực hẹp và có sức tàn phá lớn.

Ngầm Ka Định thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình bị ngập lụt, ngày 26/9/2023. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Việt Nam, đất nước nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của nhiều đợt mưa lớn kéo dài, địa hình chia cắt, mật độ sông suối phong phú... Đây là những yếu tố làm tăng khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất…

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Văn Đại cho rằng, do mưa lớn thời đoạn ngắn tại các lưu vực nhỏ hoặc lũ từ thượng nguồn đổ kiến nhiều khu vực rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Cùng với đó, một số khu vực tiềm ẩm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chưa kịp được ra soát. Ngoài những nguyên nhân trên, còn có sự tác động của con người, làm hủy hoại môi trường tự nhiên do phá rừng, hay xây dựng không hợp lý... Lũ quét và sạt lở đất là những loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm, thường xảy ra trong phạm vi nhỏ, thời gian xảy ra ngắn nên rất khó dự báo, cảnh báo. Ngoài ra, các bản tin hiện nay chưa dự báo được chính xác, chi tiết về thời gian, địa điểm, cường độ, phạm vi xuất hiện lũ quét, sạt lở đất mà mới dừng ở mức cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất theo huyện hoặc xã, vùng.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Văn Đại, do tính chất khốc liệt và những thiệt hại to lớn của loại hình thiên tai này gây ra, việc cảnh báo lũ quét, sạt lở đất cần thiết phải được chú trọng, đầu tư nhằm nâng cao khả năng cảnh báo giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Công tác phòng tránh các loại thiên tai chưa thể dự báo, cảnh báo chính xác được như lũ quét, sạt lở đất..., do đó cần tập trung theo hướng lấy phòng ngừa là chính. Đầu tư trong giai đoạn phòng ngừa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với giai đoạn ứng phó, khắc phục hậu quả.

Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm tăng cường mức độ chi tiết các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, trọng tâm là ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, xác định ngưỡng mưa chi tiết hơn.

Về lâu dài, ngành Khí tượng thủy văn thực hiện tốt Quyết định số 1262/QĐ-TTg, ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2023 đến 2030".

Ngành tập trung xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm và hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai sạt lở đất, lũ quét tổng thể, đồng bộ, tỷ lệ phù hợp; cung cấp, trao đổi thông tin cảnh báo với cộng đồng dân cư, tăng cường năng lực ứng phó sạt lở.

Ngành hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý phục vụ triển khai nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét như: quy trình, quy định, định mức kinh tế kỹ thuật về điều tra, khảo sát, dự báo, cảnh báo,… Đến năm 2025, hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 hiển thị trên nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:25.000 cho 37 tỉnh miền núi, trung du; tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn đối với 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét.

Đến năm 2030, ngành cơ bản hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn cho những khu vực có nguy cơ rất cao; hoàn thiện hệ thống thông tin, cảnh báo sớm tổng thể kết nối liên thông với các bộ, ngành, địa phương, có sự phối hợp hai chiều giữa các cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận, phân tích, xử lý thông tin dữ liệu, cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho các tỉnh miền núi, trung du Việt Nam.

Ngành rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy trình, quy định kỹ thuật phục vụ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét; điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng phục vụ lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét; lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ trung bình và tỷ lệ lớn; thiết lập và duy trì vận hành hệ thống thông tin - cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; nâng cao năng lực cộng đồng trong truyền thông và sử dụng thông tin cảnh bảo sớm.

Ngoài ra, ngành xây dựng hệ thống thông tin - cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét thời gian thực, có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận, phân tích, xử lý thông tin dữ liệu; cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở đất, lũ quét, kinh tế - xã hội, tình hình thiệt hại cho hệ thống thông tin - cảnh báo sớm; vận hành thử nghiệm tại Trung ương và 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam; đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống cảnh báo sớm…

Theo TTXVN