Nâng cao ý thức đảm bảo an toàn thực phẩm

31/03/2023 - 07:06

 - Qua kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông - thủy sản trên địa bàn An Giang ngày càng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ các quy định nhằm đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.

Xây dựng đạo đức kinh doanh

Thay vì lo lắng, ái ngại khi “bị” thanh - kiểm tra thường xuyên, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm nông - thủy sản trên địa bàn tỉnh lại thấy yên tâm, khi “được” Đoàn kiểm tra chất lượng, ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão và các mùa lễ hội Xuân năm 2023 đến kiểm tra, lấy mẫu sản phẩm kiểm nghiệm. “Sau khi được lấy mẫu phân tích, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thông báo kết quả mẫu sản phẩm của cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn an toàn như công bố, tôi càng thấy yên tâm hơn” - ông Lê Văn Phương (Cơ sở Phương Giàu, tổ 4, ấp Khánh Mỹ, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) chia sẻ.

Cơ sở Phương Giàu đảm bảo an toàn thực phẩm với sản phẩm khô cá tra phồng

Là người đứng đầu cơ sở chuyên chế biến khô cá tra phồng đã hoạt động nhiều năm (thàng lập năm 1998), cha truyền con nối, ông Phương luôn ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Nguồn nguyên liệu cá tra làm khô được ông hợp đồng đặt mua tại các vùng nuôi cá tra đã được cấp mã số quản lý khu vực xã Khánh Hòa, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú). “Mỗi đợt làm khô, cơ sở sử dụng khoảng 3 - 4 tấn cá tra nguyên liệu. Quan trọng nhất trong quy trình chế biến khô là nguồn nước phải đạt chuẩn, sử dụng nước sạch thì sản phẩm mới an toàn” - ông Phương bày tỏ.

Bằng nhiều nỗ lực, sản phẩm khô cá tra phồng của Cơ sở Phương Giàu đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) OCOP 3 sao năm 2021. “Cơ sở luôn cố gắng giữ uy tín, chất lượng sản phẩm, đồng thời phấn đấu nâng hạng OCOP để đưa sản phẩm vươn xa hơn” - ông Phương mong muốn.

Tương tự như Cơ sở Phương Giàu, bà Hà Ngọc Lợi (Cơ sở sản xuất mắm cá Mỹ Dung 888, tổ 2, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú) cũng phấn khởi khi mẫu sản phẩm mắm do Đoàn kiểm tra chất lượng, ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão và các mùa Lễ hội Xuân năm 2023 đến kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm đạt yêu cầu.

"Cơ sở đã hoạt động được 12 năm, chủ yếu bán tại chỗ và cung cấp sỉ cho một số chợ trong khu vực. Trừ cá linh mua ở vùng lũ huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), nguồn nguyên liệu cá lóc, cá chốt, cá chèn, cá lòng tong… thu gom ở địa phương, sử dụng phương pháp làm mắm truyền thống. Mình bán cho dân mình ăn nên chất lượng sản phẩm, sự an toàn luôn được đặt lên hàng đầu” - bà Lợi khẳng định.

Tăng cường trách nhiệm

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng cho biết, căn cứ Quyết định 58/2019/QĐ-UBND, ngày 18/11/2019 của UBND tỉnh ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về ATTP nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp, đơn vị đã chủ động triển khai thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP trên địa bàn huyện Châu Phú.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng NN&PTNT huyện đã cấp chứng nhận mới cho 1 cơ sở, cấp lại cho 5 cơ sở đủ điều kiện; thẩm định định kỳ 6 cơ sở (1 cơ sở loại A, 5 cơ sở loại B); tiếp nhận 6 hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm…

“Triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân năm 2023, đoàn liên ngành ATTP huyện Châu Phú đã kiểm tra 49 cơ sở, chưa phát hiện vi phạm. Chúng tôi khuyến cáo các cơ sở cần quan tâm truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ các chủ thể tham gia sản phẩm OCOP nhằm nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ” - ông Hưng nhấn mạnh.

Ý thức của các cơ sở kinh doanh thực phẩm nông, thủy sản được nâng cao rõ rệt thông qua đợt kiểm tra của Đoàn kiểm tra chất lượng, ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão và các mùa lễ hội Xuân năm 2023, triển khai trên địa bàn tỉnh An Giang từ ngày 20/12/2022 đến ngày 31/3/2023.

Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT An Giang Trần Thanh Hiệp (Trưởng đoàn kiểm tra) cho biết, qua kiểm tra 26 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, thủy sản, đoàn đã lấy 28 mẫu sản phẩm thực phẩm để kiểm tra. Qua đó, phát hiện có 4 mẫu sản phẩm không đạt chất lượng, giảm 2 trường hợp so cùng kỳ 2022.

“Qua kiểm tra thực tế cho thấy, ý thức trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc ngành nông nghiệp quản lý có nhiều chuyển biến, số vụ vi phạm giảm, cơ sở chấp hành tốt các quy định của của pháp luật về ATTP; điều kiện sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đáp ứng đúng quy định. Phần lớn các mẫu sản phẩm được đoàn kiểm tra lấy mẫu đều đạt các chi tiêu về ATTP, góp phần cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng” - ông Hiệp đánh giá.

Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT An Giang Trần Thanh Hiệp cho biết, để đảm bảo ATTP, cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao ý thức các chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh. Trong đó, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các huyện, thị xã, thành phố theo phân cấp quản lý; kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng nguyên liệu đầu vào không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định ATTP. Đối với UBND xã, phường, thị trấn, cần tổ chức rà soát, kiểm tra việc thực hiện việc ký cam kết đối với các cơ sở do cấp xã quản lý.

NGÔ CHUẨN