Nâng chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn

05/05/2023 - 06:24

 - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký Quyết định 511/QĐ-UBND về ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của đề án là góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị, khả năng cạnh tranh của nông sản An Giang tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hướng đến thực hành nông nghiệp tốt

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được chứng nhận “thực hành nông nghiệp tốt - GAP” (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 15%/năm; 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP hoặc ký cam kết tuân thủ quy định ATTP.

Trong khi đó, tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP và ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 15%/năm và 20%/năm; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 15%/năm; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10%/năm.

Đồng thời, tỷ lệ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản tương đương tiêu chuẩn quốc tế đạt 100%; 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.

Tăng cường kiểm tra, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ thủy sản

Để đạt các mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, mời gọi doanh nghiệp (DN) liên kết xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực tập trung, quy mô lớn, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất bền vững (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn…); số hóa vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của các sản phẩm từ các ngành hàng chủ lực; hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản.

Tỉnh nhân rộng mô hình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, HACCP, ISO 2200...) thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng, ATTP. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các DN đầu tư vào nông nghiệp; tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm có thông tin bao bì, ghi nhãn, dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử.

Tăng cường quản lý

UBND tỉnh An Giang yêu cầu triển khai hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thông tin, truyền thông về chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản trên hệ thống truyền thông của tỉnh. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; tăng cường sản xuất hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường, ATTP.

Tỉnh công khai danh sách cơ sở SXKD nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP, các cơ sở ký cam kết và tuân thủ cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đồng thời, công khai kết quả xử lý các cơ sở vi phạm, cơ sở không thực hiện cam kết sản xuất an toàn và thông tin kịp thời, đầy đủ kết quả kiểm tra, giám sát, truy xuất, xử lý sự cố ATTP cho người tiêu dùng biết để phòng tránh cũng như giám sát.

Đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật, ngành chức năng thực hiện giám sát ATTP các sản phẩm OCOP tỉnh An Giang, sản phẩm được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; sản phẩm tại các cơ sở sản xuất ban đầu ở các vùng sản xuất tập trung, các cơ sở chuyên doanh (rau, củ, quả), cơ sở chế biến (cà-phê, đường thốt nốt, dưa cải muối chua, các sản phẩm chay…), sản phẩm thực phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh, có sản lượng lớn.

Đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn, giám sát ATTP đối với sản phẩm trong chương trình OCOP tỉnh An Giang, cơ sở giết mổ động vật, cơ sở chuyên doanh có sản lượng tiêu thụ lớn cho các bếp ăn tập thể; sản phẩm chế biến (chả, lạp xưởng, pa-tê...), mật ong, trứng, sản phẩm thực phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh.

Đối với sản phẩm thủy sản, giám sát thực phẩm thủy sản tươi sống (thủy sản nuôi, thủy sản khai thác); thủy sản chế biến (chả cá, khô cá, mắm cá các loại...); các vùng nuôi trồng thủy sản, sản phẩm thực phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh, có sản lượng lớn; cơ sở kinh doanh thủy sản.

An Giang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu, gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tỉnh hỗ trợ các DN, cơ sở SXKD thực phẩm ứng dụng, đổi mới, cải tiến công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, ATTP.

An Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu thực thi 100% thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường mạng; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình SXKD, quản lý truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm. Tỉnh khuyến khích áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP, GMP, HACCP...) trong từng công đoạn trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, giết mổ, chế biến…

NGÔ CHUẨN