Bánh vẫn xuất hiện nơi này nơi khác, vẫn còn người làm bánh nối liền giữa thế hệ xưa và nay, truyền thống và hiện đại. Bánh vẫn được làm ra vào những dịp lễ, Tết, nhưng phần lớn từ bàn tay thợ nấu chuyên nghiệp. Bánh được làm theo đơn đặt hàng, vị ngon khi đầy khi vơi; thừa tiện lợi, nhưng thiếu chút tình cảm gia đình, xóm giềng…
Mấy năm gần đây, bỗng dưng rộ lên phong trào tổ chức lễ hội bánh dân gian, từ quy mô cấp phường, xã, dần đến cấp tỉnh, rồi liên tỉnh. Ban đầu, chỉ là hoạt động hưởng ứng Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), sau lại hưởng ứng ngày truyền thống của địa phương, ngày Tết, cuối tuần… Hết địa phương này đến địa phương khác tổ chức, nghệ nhân làm bánh dân gian được dịp “chạy show” mệt nghỉ.
“Chúng tôi chuyên kinh doanh bánh, nên hợp tác với nhiều nghệ nhân làm bánh dân gian. Chỉ cần đặt trước số lượng chừng 1 ngày là được. Phương án này an toàn hơn việc chúng tôi tự mày mò làm bánh theo công thức” - đại diện cơ sở bánh Hường Vinh bày tỏ.
Bà Neang Phương (ngụ xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn) trở nên quen mặt tại các lễ hội bánh. Không gian, thời gian tổ chức khác nhau, nhưng lúc nào chúng tôi cũng nhìn thấy bà bận rộn chăm chút cho từng chiếc bánh Kà tum - đặc sản trứ danh vùng Bảy Núi. Không chỉ bày bán, bà còn truyền tải giá trị văn hóa, nét đặc sắc và vị ngon của bánh đến thực khách xa gần.
Cái bánh ấy gói gọn tinh hoa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, trong mảnh lá thốt nốt đặc trưng của vùng, từ bàn tay khéo léo lành nghề của nghệ nhân một đời gắn bó với loại bánh này. “Mọi người thấy bánh vừa đẹp vừa lạ, cứ dừng lại hỏi thăm suốt. Tôi vui vẻ trả lời, giúp họ hiểu rõ hơn. Gần như bánh nấu chín là bán hết ngay” - bà chia sẻ.
Bánh dân gian miền Tây quanh đi quẩn lại chừng vài chục loại, nhưng mỗi nơi sẽ biến tấu, thay đổi chút đỉnh, tạo thành hàng trăm loại. Mà loại nào cũng có hương vị riêng, thực khách riêng, giá trị riêng. Mỗi dịp lễ hội bánh, người dân tham quan lại “hoa mắt” với bánh đúc gân, bánh bò bông, bánh da lợn, bánh ít trần, bánh chuối hấp, bánh lá dừa, bánh bèo, bánh đậu xanh, bánh tét, bánh ú…
Để bắt mắt hơn, người bán còn trang trí chúng theo nhiều cách khác nhau; tạo hình kích cỡ, hoa văn, màu sắc theo gu thẩm mỹ chuyên nghiệp của mình. Ngày xưa, bánh có giá bình dân, thì ngày nay cũng thế. Nơi bán vài ngàn đồng/cái, chỗ lại đồng giá 15.000 đồng/gr cho tất cả bánh, cân bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu.
Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư phối hợp UBND TP. Long Xuyên, Công ty TNHH Xuân Chính… tổ chức thành công Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ - An Giang năm 2024 kết hợp Hội chợ Xúc tiến du lịch, thương mại - sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Sự kiện diễn ra tại Khu đô thị Golden City, phường Mỹ Hòa.
Ngày hội có quy mô gần 400 gian hàng của trên 20 tỉnh, thành phố tham gia. Qua 9 ngày hoạt động, doanh thu ước đạt trên 34 tỷ đồng, thu hút hơn 140.000 lượt khách tham quan. Trên 350 lao động công nhật được thuê phục vụ gian hàng; trên 20 cơ sở in ấn, quảng cáo, dịch vụ vận chuyển, cơ sở nước đá, nước suối... phục vụ hết công suất. Gần 120 chiến sĩ công an, dân phòng, lực lượng an ninh, vệ sĩ được huy động, đảm bảo công tác an ninh trật tự cho ngày hội.
Có 6.000 cái bánh xèo, 2.000 phần bánh đúc, 2.000 cái bánh khọt và hơn 1.000 phần rau câu được trình diễn chế biến, phục vụ miễn phí cho bà con, do Viện Nghiên cứu phát triển bảo tồn văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á phối hợp nghệ nhân biểu diễn. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục cho Hội thi “100 món bánh dân gian chế biến từ thốt nốt”. Hội thi này cũng là một điểm nhấn nâng tầm bánh dân gian miền Tây, hòa quyện với đặc sản thốt nốt Bảy Núi.
Mỗi loại bánh quen thuộc được chế biến theo cách mới lạ. Ví dụ như, bánh gan vốn béo ngậy, thơm lừng, nay càng đậm đà hơn khi chế biến bằng đường thốt nốt. Bánh ít trần được rưới nước cốt dừa trắng nõn, thêm nước sốt ngọt ngào từ đường thốt nốt. Bánh thuẫn thường sử dụng trong dịp cưới hỏi, nay có thêm phiên bản làm từ đường thốt nốt vàng nhẹ, thơm ngon hơn hẳn phiên bản thông thường...
“Ngày hội bánh dân gian không chỉ là cơ hội để chúng ta thưởng thức những món bánh ngon, đặc sắc được làm từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân, mà còn là dịp để nhìn lại, bảo tồn giá trị truyền thống quý báu mà cha ông đã truyền lại. Những chiếc bánh mang hương vị đặc trưng của vùng đất An Giang, chứa đựng tình cảm, sự sáng tạo và niềm tự hào của người dân nơi đây” - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu nhấn mạnh trong mỗi dịp tổ chức ngày hội bánh.
Chị Trần Yến Vy (ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) tâm sự: “Hễ nghe nói ở đâu có ngày hội bánh dân gian, tôi đều sắp xếp đưa các con đi tham quan. Ăn uống không bao nhiêu, chủ yếu để các con trải nghiệm thực tế, cảm nhận được nét văn hóa truyền thống quê mình, bắt đầu từ cái bánh. Tôi giải thích cách làm từng loại bánh, kể ngày xưa ông bà làm bánh thế nào…
Các bé hứng thú, nhớ rõ, đến khi gặp lại loại bánh đó, có thể kể vanh vách câu chuyện tôi đã kể. Tôi nghĩ, nếu mình không có điều kiện làm bánh cho các con thì có thể truyền tải bằng cách khác, giúp gìn giữ những giá trị ẩm thực quê hương”.
GIA KHÁNH