Nên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

06/04/2022 - 19:02

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là từ khi biến chủng Omicron xuất hiện. Mặc dù tỷ lệ tiêm ngừa đủ 2 mũi cho người lớn trên 18 tuổi và trẻ em từ 12-17 tuổi đạt rất cao, nhưng còn nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Ngày 5/2/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP về việc mua vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ngày 28/3/2022, Bộ Y tế có Công văn 1535/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng sẽ được tổ chức theo hình thức “chiến dịch”, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với những nơi tổ chức học tập trung tại trường).   

Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi là cần thiết, với các lý do:

- Trẻ trong độ tuổi này chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

- Ở mọi lứa tuổi: Khi mắc COVID-19 đều có thể chuyển nặng và tử vong, kể cả trẻ em.

- Ở trẻ em: Khi mắc COVID-19 cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng “hậu COVID-19”, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19). Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ, đây là biểu hiện nghiêm trọng. 

- Với biến chủng Omicron: Việc lây nhiễm biến chủng này xuất hiện nhiều ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ chưa tiêm chủng.

Lợi ích khi trẻ được tiêm ngừa:

- Nếu trẻ có bị nhiễm bệnh, sẽ có ít triệu chứng, bệnh nhẹ. Từ đó làm giảm ca bệnh nặng và tử vong.

- Việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm lây nhiễm đối với những người xung quanh, nhất là cha mẹ, ông bà sống chung trong nhà; đây là những người lớn tuổi, thường có bệnh nền, khi bị lây bệnh sẽ rất nguy hiểm.

Vì vậy, việc tiêm chủng có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao. Khi được tiêm chủng, trẻ sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác.

Để giúp trẻ thoải mái hơn khi đi tiêm và sau tiêm chủng, chuyên gia tiêm chủng khuyến cáo phụ huynh hãy trao đổi với trẻ trước khi đi tiêm. Cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm, thực hiện thông điệp “5K” tại điểm tiêm...

Sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng (nếu có)... Đồng thời, phụ huynh cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong 48 giờ đầu.

- Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine phòng COVID-19.

- Không nên uống các chất kích thích ít nhất trong 3 ngày đầu sau tiêm.

- Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

- Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

- Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu trẻ sốt từ 38,50C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 giờ, cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Vì sức khỏe con em chúng ta, các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm vaccine phòng COVID-19.

TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH AN GIANG