Hình dáng "ông tổ của mọi quái thú" Kongonaphon kely thực sự gây sốc: một sinh vật khá dễ thương, to bằng… chim sẻ! Hóa thạch đầu tiên của Kongonaphon kely được khai quật từ năm 1998 ở Madagascar. Nó thực sự khiến các nhà cổ sinh vật học bối rối và họ đã mất hơn 20 năm để phân loại và liên kết nó với thế hệ con cháu đầy ấn tượng.
Chân dung "ông tổ của mọi quái thú" - một sinh vật lọt thỏm trong bàn tay người - ảnh: BẢO TÀNG LỊCH SỬ TỰ NHIÊN MỸ
Tiến sĩ Christian Kammerer từ Bảo tàng Khoa học tự nhiên Bắc Carolina (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu cho biết sinh vật này đã đi ngược lại suy nghĩ của mọi người, vốn mặc định khủng long là những gã khổng lồ.
Nghiên cứu vừa công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences cho thấy Kongonaphon kely cao nhất khoảng 10 cm, với vóc dáng rất giống các khủng long chân thú lừng danh sau này: 2 chân sau khỏe mạnh, chân trước nhỏ, đuôi dài, móng vuốt sắc nhọn. Nó còn có lông vũ và là một khủng long ăn thịt. Với kích cỡ đó, con mồi chỉ là những chú côn trùng.
Con người và một khủng long chân thú cỡ nhỏ được đem so sánh với "ông tổ của mọi quái thú" (giữa)- ảnh đồ họa từ nhóm nghiên cứu
Ban đầu các nhà nghiên cứu không nghĩ hóa thạch này là quan trọng, cho đến khi các kỹ thuật phân tích hiện đại dần hé lộ dòng máu của nó. Sinh ra vào kỷ Tam Điệp, tức buổi bình minh của loài khủng long, "quái thú" thu nhỏ này là một trong những sinh vật đầu tiên thể hiện sự khác biệt về mặt tiến hóa giữa khủng long và thằn lằn.
Phân tích di truyền cho thấy nó vừa là ông tổ của các khủng long dũng mãnh nhất thống trị mặt đất, vừa là ông tổ của loài dực long (pterosaurs, còn gọi là thằn lằn có cánh) gây kinh hoàng trên bầu trời. Lấy ví dụ, đó là khủng long bạo chúa T-rex kinh khủng nhất mọi thời đại hay thằn lằn bay Quetzalcoatlus to như một chiếc máy bay và chuyên săn khủng long, cùng rất nhiều khủng long và dực long đáng sợ nhất thống trị 2 kỷ Jura và Phấn Trắng.
Dực long Quetzalcoatlus chuyên săn khủng long, thế hệ cháu chắt của "ông tổ" kích cỡ chim sẻ - ảnh: INVERSE
Theo giáo sư John Flynn từ Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ, người dẫn đầu đoàn thám hiểm đến Madagascar hơn 20 năm trước, một trong những nguyên nhân nghiên cứu gặp khó khăn là hóa thạch của sinh vật này bị lẫn lộn với rất nhiều sinh vật khác. Nhưng cuối cùng họ cũng phân loại và ráp nối được một con khủng long bé nhỏ hoàn chỉnh, với hộp sọ và đa số xương được bảo quản tuyệt với.
Với niên đại 237 triệu tuổi, vị tổ tiên của các "quái thú" này là sinh vật thuộc về siêu lục địa đã mất Pangaea.
Theo THU ANH (Người lao động)