“Ban đầu, tôi thấy uể oải và chỉ muốn ngủ. Sau đó tôi ho nhiều, những cơn ho sâu và dữ dội, cảm giác như phổi bị tắc nghẽn. Nhưng tôi vẫn nghĩ mình chỉ bị cảm lạnh và không đến gặp bác sĩ. Thậm chí tôi còn đi chạy bộ, để rồi mọi chuyện trở nên tồi tệ.” Nicole được đưa đến bệnh viện vào nửa đêm trong tình trạng gần như nguy kịch, với chẩn đoán bị viêm phổi. “Tôi bắt đầu hôn mê. Tôi không thể ăn uống, không đủ sức đi lại. Tôi nằm liệt giường suốt 3 ngày và phải mất 2 tuần điều trị mới có thể rời giường bệnh. Tôi chưa bao giờ thấy yếu ớt đến vậy.”
Giống như Nicole, cô Jardine, 33 tuổi, người Anh, cũng cho rằng mình bị cảm cúm khi xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, lạnh người, ho và hơi đau bụng. Song chỉ 36 giờ sau đó, cô nhập viện trong tình trạng hôn mê, và mặt nạ dưỡng khí của cô đầy máu từ những cơn ho. Jardine cho biết: “Các bác sĩ phát hiện tôi bị viêm phổi do vi khuẩn. Cả 2 lá phổi của tôi đều bị tổn thương. Tôi nhập viện quá muộn và chỉ còn một lựa chọn điều trị duy nhất là dùng máy ECMO. Tôi phải tiêm kháng sinh hằng ngày và được tư vấn ghép phổi, một điều rất khó khăn. Tôi nghĩ mình sẽ chết.”
Dù vậy, Jardine may mắn phục hồi tốt hơn dự đoán và được xuất viện sau 3 tháng nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Hiện Jardine tiêm vaccine cúm hằng năm và tiêm cả vaccine phế cầu khuẩn, bởi chúng có thể ngăn ngừa một số dạng viêm phổi. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trước đây tôi nghĩ viêm phổi là bệnh của người già, nhưng giờ tôi thường chia sẻ câu chuyện của mình để mọi người biết sự nguy hiểm của bệnh viêm phổi. Những biến chứng nhanh chóng của viêm phổi có thể đe dọa tới tính mạng của bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào.”
Đúng như chia sẻ của cô Jardine, viêm phổi là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới đối với cả người lớn và trẻ em. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), viêm phổi là một dạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường gặp nhất do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Hàng triệu người mắc bệnh viêm phổi mỗi năm, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp, nơi khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Chỉ riêng năm 2019, 2,5 triệu người đã tử vong vì viêm phổi, trong đó có 672.000 trẻ em dưới 5 tuổi, đồng nghĩa cứ 13 giây lại có một người chết vì viêm phổi.
Viêm phổi cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Số trẻ em tử vong chỉ riêng vì viêm phổi cao hơn tổng số ca tử vong do các bệnh AIDS, sởi và sốt rét cộng lại. Năm 2017, bệnh viêm phổi cướp đi sinh mạng của 808.694 trẻ em trên toàn cầu, chiếm 15% tổng số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với con số 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm vì viêm phổi vào thời điểm trước năm 2009. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến các ca viêm phổi trên toàn thế giới tăng lên.
Bất chấp những con số đáng báo động trên, nhiều người vẫn chưa nhận thức được, hoặc chủ quan về sự nguy hiểm của bệnh viêm phổi, khiến nó trở thành căn bệnh “bị lãng quên”. Chính vì thế, từ năm 2019, Liên minh Toàn cầu chống viêm phổi ở trẻ em đã khởi xướng Ngày Viêm phổi thế giới, nhằm nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này, đồng thời thúc đẩy các biện pháp can thiệp để bảo vệ, ngăn ngừa và điều trị bệnh viêm phổi, với khẩu hiệu chung “Lá phổi khỏe mạnh cho tất cả mọi người”.
Kể từ khi Ngày Viêm phổi thế giới ra đời, nhiều sáng kiến nhằm ngăn ngừa và kiểm soát bệnh viêm phổi ở nhiều cấp độ khác nhau đã ra đời, qua đó góp phần giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do viêm phổi trên toàn cầu. Năm nay, Ngày Viêm phổi thế giới (12/11) vẫn tập trung vào cuộc chiến ngăn chặn bệnh viêm phổi, nhấn mạnh trách nhiệm tập thể của cộng đồng, chuyên gia y tế và các nhà hoạch định chính sách.
Advertisement: 8:53
Close Player
Dù nguy hiểm, hầu hết các trường hợp tử vong do viêm phổi đều có thể được phòng ngừa bằng tiêm chủng cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu chất lượng, chẩn đoán và điều trị kịp thời, cùng các hành động giải quyết các nguy cơ chính như suy dinh dưỡng, ô nhiễm và thiếu nước sạch, vệ sinh. Trong đó, tiêm chủng là một trong những công cụ vô cùng cần thiết để phòng ngừa bệnh viêm phổi. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã kéo lùi chương trình tiêm chủng tại nhiều quốc gia, khi trong năm 2021, chỉ 51% trẻ em được tiêm vaccine phế cầu liên hợp PCV. Viêm phổi do vi khuẩn cũng có thể điều trị bằng kháng sinh, song chỉ 1/3 số trẻ bị viêm phổi được sử dụng loại kháng sinh cần thiết. Trước thực trạng này, bà Yvonne Arunga, Giám đốc Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) khu vực Kenya và Madagascar, khẳng định: “Chúng ta cần vaccine, cần kháng sinh giá rẻ để đảm bảo không một trẻ em nào qua đời vì những căn bệnh có thể phòng ngừa được như viêm phổi.”
Bên cạnh đó, khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do viêm phổi. Giám đốc UNICEF khu vực châu Âu và Trung Á, bà Regina de Dominicis thừa nhận: “Khi nói đến ô nhiễm không khí, những lá phổi nhỏ bé nhất lại chịu tác động nặng nề nhất.” Ước tính khoảng 30% ca viêm phổi, tức 749.200 trường hợp mắc bệnh vào năm 2019 là do ô nhiễm không khí. Trong bối cảnh chỉ còn hơn 2 tuần nữa sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28), các quan chức y tế toàn cầu cần đưa ô nhiễm không khí trở thành trọng tâm của các chương trình nghị sự toàn cầu và quốc gia. Giảm thiểu ô nhiễm không khí và hạn chế sự tiếp xúc của trẻ em với không khí độc hại sẽ giúp giảm chi phí chăm sóc y tế, tăng năng suất lao động và tạo ra một môi trường sạch hơn, an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Nhìn chung, dù có hàng trăm triệu ca mắc mỗi năm, bệnh viêm phổi vẫn chưa nhận được sự quan tâm tương xứng với mức độ nguy hiểm. Như khẳng định của bà Arunga, thế giới cần phải tài trợ nhiều hơn cho các dịch vụ y tế và phòng ngừa, khuyến khích tăng cường nghiên cứu và phát triển vaccine giá rẻ, cách điều trị cũng như công cụ chẩn đoán mới nhằm giảm bớt gánh nặng mà bệnh viêm phổi gây ra cho cả cá nhân và cộng đồng. Nếu chúng ta không hành động, không có những chính sách đúng đắn cùng nguồn tài trợ đầy đủ, sẽ có thêm hàng triệu người lớn và trẻ em chết vì viêm phổi trong thập kỷ tới.
Theo PHƯƠNG THỊNH (TTXVN)