Trường hợp ngộ độc ma túy nặng nề nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Nguy cơ thuốc lá điện tử len lỏi trong trường học
Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử (Cannabis và Marijuana) đã được ghi nhận ở Trung tâm Chống độc Bệnh Viện Bạch Mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới và có những ca ngộ độc tập thể.
Ngày 22/8/2022, học sinh nữ tên K.L (trường THPT Dân lập Yên Hưng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) mang đến lớp thuốc lá điện tử và rủ cả nhóm bạn hút thử. Sau khi 7 học sinh chia nhau một điếu thuốc lá điện tử cùng nhau hút, các em đều cảm thấy chóng mặt và nôn trong lớp. Cả nhóm được đưa đi cấp cứu Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên.
Tại Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh), vụ ngộ độc thuốc lá tập thể của 4 học sinh (sinh năm 2008) cũng gây chấn động trong trường học tại địa phương này. Cả 4 em có sử dụng thuốc lá điện tử, nhưng chưa rõ chủng loại và chưa rõ nguồn gốc. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện cảm giác choáng váng, khó chịu toàn thân, bủn rủn, run tay chân, tức ngực, khó thở, buồn nôn, nôn số lượng nhiều.
Ngày 31/8/2022, 2 nam sinh lớp 12 của Cao Đẳng Tiếng Việt Hà Tĩnh-Đức Công nghệ có biểu hiện trợn mắt, la hét và có những hành động mất kiểm soát ngay trong lớp học. Sau đó, các em nói rằng đã sử dụng thuốc lá điện tử.
4 trường hợp bệnh nhân là học sinh nhập viện do ngộ độc Nicotine sau khi hút thuốc lá điện tử tại Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh.
Ngày 5/12/2022, 7 học sinh lớp 3 trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội được đưa vào khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng buồn nôn, đau đầu. Nguyên nhân là do các em đã thử hoặc hít phải thuốc lá điện tử.
Có nhiều bệnh nhân còn rất trẻ nhập viện vì những biểu hiện ngộ độc nặng nề do sử dụng, do hít phải khói thuốc lá điện tử.
Nam sinh mới 12 tuổi bị rơi vào trạng thái run, chóng mặt, khó thở và co giật do hút thuốc lá điện tử được nhập bệnh viện tại Hà Nội để cấp cứu. Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử sử dụng, gửi Viện Pháp y Quốc gia để xét nghiệm độc tố. Kết quả, trong thuốc có thành phần của một số chất gây nghiện và đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị ngộ độc.
Ngày 1/10/2022, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận bệnh nhân sinh năm 2006 ở Thạch Thất, Hà Nội trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn tối đa, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản. Sau khi tỉnh, bệnh nhân đã nói là hút thuốc lá điện tử được bơm tinh dầu mua trên thị trường.
Trường hợp nhỏ tuổi rất thương tâm do sự bất cẩn của người lớn cuối năm 2022 là trường hợp bé trai 5 tuổi ở Hà Nội uống khoảng 5ml dung dịch màu vàng của thuốc lá điện tử, 15 phút sau có biểu hiện co giật, nôn ói rồi hôn mê được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bé dương tính với ADB-BUTINACA, một loại ma túy tổng hợp mới. Sau vài ngày điều trị, bệnh nhi đã xuất viện nhưng vẫn phải được theo dõi sát sao để tránh biến chứng.
Làm gì phòng, chống thuốc lá điện tử trong trường học?
Hiện cả nước có trên 40 nghìn trường học, 20 triệu học sinh ở lứa tuổi chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024.
Ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ là một trong những mục tiêu ưu tiên trong các chính sách về Phòng, chống tác hại của thuốc lá và cũng là nội dung quan trọng mà Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố nhằm xây dựng trường học không khói thuốc lá trong thời gian qua.
Với sự hỗ trợ của Quỹ, sự tham gia chủ động, tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh, thành phố, công tác Phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá học sinh từ 13-15 tuổi tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc trong nhóm tuổi từ 13 đến 15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022). Trong nhóm tuổi từ 13 đến 17 giảm 50% (từ 5,36% năm 2013) xuống còn 2,78% (năm 2019).
|
Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tuy vậy, các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy thực trạng đáng báo động: trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ.
Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13-15 là 3,5%.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh kiêm Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị, chủ yếu nhằm vào giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh tăng nhanh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh kiêm Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá.
Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13-15 là 3,5%.
"Có thể thấy có thể thấy chỉ sau 3 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể và đang gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của các em học sinh", ông Khuê bày tỏ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê mong muốn các trường học trên cả nước đưa nhiệm vụ Phòng chống tác hại thuốc lá ngay khi năm học mới được bắt đầu. Công tác phổ biến và tuyên truyền về phòng, chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử phổ biến đến từng học sinh từ cấp học mầm non đến đại học và đến từng giáo viên, các cán bộ, nhân viên làm việc tại các trường học để góp phần xây dựng môi trường học đường không khói thuốc, bảo vệ sức khoẻ thế hệ tương lai của đất nước.
Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 2 tài liệu: Tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông và Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép Phòng chống tác hại thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp Trung học cơ sở.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới trong các cơ sở giáo dục trên toàn quốc; tổ chức tập huấn công tác truyền thông phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông, cán bộ, giáo viên tại các tỉnh, thành phố.
|
Theo THIÊN LAM (Báo Nhân Dân)