Từ nông dân
Cá thương phẩm rớt giá, người nuôi thua lỗ nặng, nhiều người tham gia trong chuỗi ngành hàng cá tra đành phải “rời cuộc chơi”, chuyển sang làm ngành nghề khác hoặc nuôi với hình thức duy trì, chờ thời cơ để vượt qua khủng hoảng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tèo (xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân, An Giang) bao đời nay sống với nghề ương nuôi cá tra giống. Cá giống từ cơ sở ương của anh đã bán đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh, nhờ vậy gia đình có cuộc sống ổn định. Ba năm gần đây, nhất là từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, giá cá tra thương phẩm bị rớt dưới giá thành sản xuất, tình trạng thua lỗ đã xảy ra. Cứ ngỡ, giá cá giống sẽ rớt trong 1 vụ, vụ thứ 2 sẽ tăng lên. Song, thực tế không phải vậy.
Đeo theo nuôi để gỡ lỗ, tổng số vụ nuôi thua lỗ của gia đình anh lên đến 4 vụ. Nguồn vốn bị cạn kiệt, anh tìm cách chuyển sang hình thức nuôi khác để duy trì chờ cơ hội. “Tôi chuyển sang nuôi cá thác lác cườm được 2 vụ. Trong vèo, tôi thả nuôi cá thác lác cườm, bên ngoài vèo thì thả nuôi cá tra giống mà người dân địa phương thường gọi là cá nút vèo. Nuôi 2 đối tượng (theo hình thức xen canh) nhằm giảm thiểu rủi ro, duy trì sản xuất, chờ tín hiệu của thị trường” - anh Tèo chia sẻ.
Doanh nghiệp tăng lượng hàng tồn kho là một giải pháp để chờ tín hiệu thị trường
Ngoài trường hợp của anh Tèo, hiện nay, nhiều ngư dân trong tỉnh đã tìm cách duy trì hoạt động, chuyển ao nuôi cá tra thịt sang nuôi các loại giống cá chợ, như: cá trê, cá lóc, cá rô... Số còn lại nuôi theo hình thức xen canh, như: nuôi cá thác lác cườm với cá tra hoặc cá tra với cá sặc rằn. Số ngư dân không còn vốn đành cho thuê hầm, chuyển sang làm nghề khác để sinh sống. “Có thể nói, đợt khủng hoảng cá tra lần này kéo dài hơn bao giờ hết. Người nuôi nhỏ lẻ đã cạn vốn, chỉ còn những DN có tiềm lực kinh tế mới có thể duy trì, song các DN này cũng gặp không ít khó khăn” - bà Trần Thị Lành (xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân) chia sẻ.
Đến doanh nghiệp
DN nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, phần do ảnh hưởng của dịch bệnh, các quốc gia tập trung phòng, chống dịch bệnh, vì vậy lượng hàng nhập khẩu giảm. Đã vậy, chi phí thuê Container lại tăng gấp đôi so với trước, từ đó làm cho chi phí bán hàng gia tăng, trong khi giá xuất sản phẩm giảm. Trước thực tế này, để chủ động trong sản xuất, duy trì hoạt động, nhiều DN tạm ngưng thả cá hoặc số cá đã thả nuôi thì cho ăn ít hơn để duy trì. Cụ thể, lúc thị trường bình thường, mỗi ngày người nuôi cá tra cho cá ăn 2 lần, hiện nay, người nuôi chuyển sang hình thức nuôi duy trì, mỗi ngày chỉ cho ăn 1 lần (tùy theo giai đoạn phát triển của cá) hoặc 2 ngày cho cá ăn 1 lần để giảm nhẹ chi phí.
Nhiều DN có hệ thống kho chứa công suất lớn, đành chấp nhận giải pháp tăng lượng hàng tồn kho để dự trữ, chờ tín hiệu của thị trường. Nhiều nhà máy đã cắt giảm lao động, bớt giờ làm, áp dụng nhiều hình thức khác nhau nhằm thích ứng trong điều kiện hiện nay. Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn, một số DN đã mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh khác để bù đắp sự thua lỗ của ngành hàng cá tra.
Tìm cách duy trì sản xuất để vượt qua khủng hoảng, ngành hàng cá tra đang có nhiều cách làm khác nhau. Song, con đường để đưa ngành hàng này phát triển bền vững vẫn cần có một cơ chế mà ở đó, chỉ có những người hội đủ điều kiện (vùng nuôi, nhà máy, nhân lực, vốn, thị trường, công nghệ…) mới có thể tham gia. Người nuôi và DN cần tiếp tục phát huy tính liên kết trong phát triển sản xuất để cân đối cung-cầu, tránh tình trạng nuôi nhiều hơn nhu cầu của thị trường…
“Trước khó khăn của ngành hàng cá tra, ngành nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh khuyến khích ngư dân, phát triển diện tích nuôi một số đối tượng thủy sản nội địa có tiềm năng, như: cá thác lác, cá chạch lấu, lươn… nhằm cung cấp cho thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, giảm tải áp lực đối với ngành hàng xuất khẩu cá tra trong thời điểm khó khăn về giá cả và thị trường như hiện nay” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm khuyến cáo.
Bài, ảnh: MINH HIỂN