Tiếp tục khẳng định vai trò ngành nông nghiệp

29/11/2024 - 06:55

 - Giai đoạn 2025 - 2027, Chi bộ Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp tục phối hợp chặt chẽ các phòng chuyên môn, chi, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Sở, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phát huy vai trò “bệ đỡ” của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế.

Giai đoạn 2023 - 2025, Chi bộ Văn phòng Sở NN&PTNT tích cực tham mưu Đảng bộ Sở thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án lớn của ngành, mang lại hiệu quả. Trong đó, nổi bật là hoạt động cơ cấu lại ngành nông nghiệp được đẩy mạnh, đi vào thực tiễn, với quan điểm: Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, nông dân là chủ thể trong quá trình thực hiện, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào chuỗi liên kết phát triển sản xuất - chế biến - tiêu thụ là yếu tố then chốt. Bên cạnh đó, nhiều nhiệm vụ, giải pháp cũng được triển khai, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh phục hồi, phát triển sản xuất sau dịch COVID-19.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển về quy mô lẫn trình độ sản xuất. Diện tích gieo trồng lúa, rau màu đạt và vượt kế hoạch, tỷ lệ cơ cấu giống chất lượng cao tăng dần, chất lượng sản phẩm được cải thiện, xuất khẩu gạo đạt kết quả ấn tượng. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Sản lượng cá tra nguyên liệu ổn định, quy mô sản xuất tiếp tục tăng. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, từ tư duy tăng trưởng theo sản lượng sang tư duy về tăng giá trị, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang tăng cường hoạt động liên kết, tiêu thụ nông sản

Cụ thể, năm 2023, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,43%, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản đạt khoảng 758 triệu USD; thu nhập bình quân nông dân ở khu vực nông thôn đạt 58,7 triệu đồng/người/năm, tăng 6,8 triệu đồng/người/năm so năm 2022. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp ước đạt 3,57%, tiếp tục đạt kịch bản đề ra.

Công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh với các dự án tiêu biểu: Dự án Trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại tỉnh An Giang; dự án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây ăn trái; dự án chuỗi liên kết sản xuất, nhà máy chế biến bột gạo/nếp, chế biến rau, củ, quả; dự án khu phức hợp nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; dự án chuỗi cung cấp con giống - trại nuôi heo thịt an toàn - lò giết mổ…

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp An Giang cũng đối mặt với những khó khăn, như: Doanh nghiệp phục hồi chậm, hoạt động sản xuất - kinh doanh chưa ổn định sau dịch COVID-19; diễn biến khó lường và ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng hoạt động sản xuất nông nghiệp; tình hình biến động thị trường nông sản thế giới tác động đến đời sống nông dân…

Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của ngành nông nghiệp, Chi bộ Văn phòng Sở NN&PTNT sẽ tích cực thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đảng viên nhiệm kỳ 2025 - 2027. Trong đó, phấn đấu tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2025 - 2027 đạt bình quân 2,8%; diện tích/quy mô thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản tăng bình quân từ 25% so với bình quân giai đoạn 2022 - 2024; chỉ số cải cách hành chính hàng năm đạt từ 90% trở lên; hoàn thành 100% kế hoạch thanh, kiểm tra được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm…

Nông nghiệp An Giang khẳng định vai trò “bệ đỡ” nền kinh tế

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, đơn vị tăng cường lãnh đạo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, theo hướng hiện đại, phát triển dịch vụ trên nền tảng khoa học - công nghệ. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Cùng với đó, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp; phát triển sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường; gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển kinh tế hợp tác, nâng chất hoạt động của tổ chức nông dân, lấy doanh nghiệp và hợp tác xã làm trung tâm, gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực; thúc đẩy thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; phát huy vai trò chủ thể của nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt, xử lý dứt điểm vướng mắc, khó khăn cho người dân…

MINH QUÂN