Kết quả tích cực
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến tháng 11/2024, hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt kết quả khả quan. Lũy kế 11 tháng, toàn tỉnh đã gieo trồng 618.600ha lúa, đạt 100,06% kế hoạch, tăng gần 2.400ha so cùng kỳ; hoa màu có diện tích 49.900ha, đạt 97% kế hoạch, bằng 100,06% so cùng kỳ. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, quy mô đàn chăn nuôi tiếp tục tăng. Cùng với đó, các hoạt động lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi thú y, công tác thủy lợi cũng đạt kết quả tích cực.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cụ thể, tỉnh đã có 3 đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, gồm: TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên và huyện Thoại Sơn. Ngoài ra, huyện Thoại Sơn còn được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Cấp xã, có 76/110 xã đạt chuẩn NTM, với 34 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đặc biệt, tỉnh có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu tại huyện Thoại Sơn ở lĩnh vực tổ chức sản xuất (xã Định Thành) và giáo dục (xã Vĩnh Trạch).
Với Chương trình OCOP, lũy kế đến tháng 10/2024, toàn tỉnh có 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao, 136 sản phẩm 3 sao của 107 chủ thể kinh tế. Sở NN&PTNT đã gửi hồ sơ và sản phẩm mẫu của mật thốt nốt bột, mật thốt nốt hạt, mật thốt nốt sệt (Công ty cổ phần Palmania) về Bộ NN&PTNT để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Ngành nông nghiệp An Giang tích cực triển khai Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao
Trong thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã ban hành kế hoạch và kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện để tổ chức triển khai đến năm 2030. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 22 mô hình theo đề án, với diện tích 1.117ha, chiếm 5,42% diện tích kế hoạch của năm. Trong đó, 18 mô hình được thực hiện bằng nguồn vốn theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mỗi mô hình có quy mô 50ha, tổng diện tích thực hiện 900ha; 4 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ NN&PTNT với diện tích 52ha ở 4 huyện: Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn và Phú Tân; 165ha các mô hình khác được thực hiện một trong các tiêu chí của Bộ NN&PTNT.
Nỗ lực phấn đấu
Phát huy kết quả đạt được, tháng 12/2024, Sở NN&PTNT tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025. Tích cực triển khai Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, hỗ trợ người trồng lúa và phát triển các loại cây trồng khác, như: Lúa nếp, rau màu, cây ăn trái. Đồng thời, đẩy mạnh công tác liên kết tiêu thụ, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh và hỗ trợ các cơ sở sản xuất đạt chuẩn để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Nhằm đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM, đơn vị sẽ tập trung kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện tại các xã điểm. Tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho cán bộ, người dân trong công tác xây dựng NTM. Tích cực theo dõi sát sao tiến độ thực hiện các mô hình sản xuất, nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng NTM tại các địa phương đạt hiệu quả cao.
Trong thực hiện Chương trình OCOP, Sở NN&PTNT cũng trình UBND tỉnh phê duyệt quyết định kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 - 2025. Hỗ trợ rà soát sản phẩm và tham gia Hội đồng OCOP cấp huyện tại các địa phương: TX. Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, TP. Châu Đốc với khoảng 25 sản phẩm tham gia. Tổ chức các lớp tập huấn về chương trình OCOP tại TP. Long Xuyên, trong đó có 100 chủ thể kinh tế….
Trong lĩnh vực thú y chăn nuôi, ngành nông nghiệp An Giang sẽ tăng cường công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, chú trọng các bệnh, như: Cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi, lở mồm long móng... Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi; tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên thủy sản; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch, giết mổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chuẩn bị cho mùa khô năm 2025, Sở NN&PTNT yêu cầu Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng trái phép. Các hoạt động trọng tâm, gồm: Tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm; phối hợp các lực lượng liên quan để kiểm soát các khu vực trọng điểm; xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng năm 2025; rà soát, bảo dưỡng trang thiết bị; thúc đẩy công tác trồng rừng. Đặc biệt, đơn vị cũng chủ trì, phối hợp thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất - kinh doanh trên các lĩnh vực: An toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp, hóa chất, thức ăn dùng trong chăn nuôi và thủy sản. Triển khai các cuộc thanh, kiểm tra trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025...
MINH QUÂN