Ngành y tế An Giang nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

26/02/2021 - 04:46

 - Ngành y tế có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đầu tư cho sức khỏe là đầu tư trực tiếp để phát triển bền vững. Đặc biệt, trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đội ngũ y, bác sĩ có vai trò rất quan trọng, luôn quả cảm trên tuyến đầu chống dịch; không ngại hiểm nguy, là những người trực tiếp giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Chuyên môn hóa cao

Những năm qua, ngành y tế An Giang tiếp tục được tăng cường đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được hoàn thiện, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, kỹ thuật cao... điều trị thành công nhiều ca trọng bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang là bệnh viện hạng 2 của tỉnh, với quy mô 950 giường bệnh và là tuyến có chuyên môn cao nhất trong tỉnh. 5 năm qua, lượt khám, chữa bệnh (KCB) tăng bình quân 10%/năm, tỷ lệ hài lòng của người bệnh nâng lên (trên 95%). Bệnh viện đầu tư trang thiết bị hiện đại, như: máy CT Scanner, máy MRI, phẫu thuật Phaco, phẫu thuật mắt bằng tia Laser…

Với mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang đã không ngừng đổi mới về tinh thần thái độ phục vụ, chuyển từ “phục vụ” sang “cung cấp dịch vụ”. Thông qua đề án “Bệnh viện vệ tinh” với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh), đề án 1816 với Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ… đã triển khai nhiều kỹ thuật cao trong khám và điều trị.

Bệnh viện Tim mạch An Giang là bệnh viện chuyên khoa về tim mạch ra đời sớm nhất ở ĐBSCL. 30 năm qua, bệnh viện không ngừng phát triển, từ khởi đầu điều trị nội tim mạch, tháng 7-2013 triển khai can thiệp tim mạch, tháng 12-2017 thực hiện thành công ngoại tim mạch, tháng 3-2019 triển khai thành công kỹ thuật thăm dò điện sinh lý, điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần…

Là bệnh viện hạng 2 trực thuộc tỉnh, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật cao của các kỹ thuật “không xâm lấn” trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch, như: siêu âm Doppler tim, mạch máu, siêu âm tim qua thực quản, siêu âm Doppler xuyên sọ, chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt (ứng dụng trong chụp động mạch vành, mạch máu não…). Đặc biệt, đã triển khai kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị: can thiệp mạch vành, can thiệp tim bẩm sinh, thăm dò điện sinh lý, điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần, phẫu thuật tim hở…

Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang triển khai “chuyển đổi số trong y tế” nhằm mục tiêu: không dùng hồ sơ bệnh án giấy, không để người bệnh chờ đợi khi đăng ký khám bệnh, không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí. TS.BS Lữ Văn Trạng (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh) cho biết, mục tiêu hướng đến của bệnh viện khi thực hiện “chuyển đổi số” là: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ của người bệnh, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả KCB, minh bạch hóa thông tin…

Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang triển khai thành công “bệnh viện thông minh” (đầu tiên ở An Giang, tốp đầu cả nước) với nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ y tế được triển khai, như: bệnh án điện tử, phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện HIS; hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh RIS; phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa… góp phần chuyên nghiệp hóa dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng KCB.

Thành tích vẻ vang

Trong cuộc chiến ứng phó đại dịch COVID-19, cùng với các lực lượng nơi tuyến đầu thì đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng là những người trực tiếp nhất. Mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ đâu, những “chiến sĩ áo trắng” nhanh chóng có mặt để điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm để làm các xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch. Kịp thời triển khai những biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch bệnh, không để lây lan…

Ở An Giang, mặc dù chưa có ca bệnh COVID-19 tại địa phương, nhưng ngành y tế đã tích cực triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó hơn 1 năm nay, với tinh thần chủ động “Chống dịch như chống giặc”. Ngành tập trung thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các bệnh lưu hành, mới nổi, như: sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, Chikungunya… Đặc biệt, đối với dịch bệnh COVID-19, tỉnh tập trung kiểm soát (hiện chưa có ca mắc trên địa bàn), đã xét nghiệm gần 14.000 mẫu, tất cả đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được hoàn thiện, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Có 100% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 100% trạm y tế xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 100% xã có cơ sở trạm, 98,7% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, 100% trạm y tế xã KCB bảo hiểm y tế (BHYT).

Các bệnh viện công lập triển khai nhiều giải pháp đồng bộ làm giảm tình trạng quá tải, đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí chất lượng bệnh viện, quy tắc ứng xử, nâng cao thái độ phục vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh. Tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, thực hiện tốt việc hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và đào tạo cho các cơ sở y tế ngoài công lập. Các bệnh viện tư nhân tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phát triển quy mô. Tổng số giường bệnh toàn tỉnh (cả bệnh viện tư nhân) là 4.990 giường, đạt 26,13 giường bệnh/10.000 dân.

Năm 2020, đã khám cho gần 8 triệu lượt bệnh nhân, điều trị nội trú hơn 381.511 lượt. Ngành y tế kết hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục triển khai tốt hoạt động KCB BHYT. Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh thường xuyên trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động KCB, thực hiện đề án “Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác hội chẩn, tư vấn, KCB từ xa (Telehealth) tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020” và ứng dụng Zoom Cloud Meeting trong tập huấn, họp trực tuyến.

Tại hội nghị tổng kết ngành y tế năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu ngành y tế tiếp tục tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, củng cố hoàn thiện, nâng cao chất lượng y tế cơ sở, phát triển chuyên môn kỹ thuật, tạo niềm tin thực sự cho người dân, giảm tình trạng vượt tuyến, quá tải tuyến trên. Tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức các cơ sở điều trị, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, tổ chức thực hiện tốt KCB BHYT tại các tuyến và tăng cường trách nhiệm quản lý sử dụng quỹ BHYT tại các cơ sở điều trị. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KCB, thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ của các cơ sở y tế công lập

 

HỮU HUYNH