Ngày Tết của nhà Hiếu

08/02/2024 - 20:36

Hiếu khoác thêm chiếc áo gió theo ông lên phòng thờ. Thấy ông lau đồ thờ, thằng bé thầm thì:

- Ông ơi! Phòng thờ lúc nào cũng sạch sẽ vậy mà hôm nay ông vẫn lau kỹ thế ạ? Mà con thấy có mùi nước gì thơm thơm!

Ông vảy vảy chiếc khăn mới thơm mùi ngũ vị hương, nhìn Hiếu, giọng vui vui: - Năm nay biết quan sát rồi đấy! Nếu biết cùng làm với ông thì lớn hẳn rồi!

Hiếu cầm chiếc khăn mới định trèo lên ghế cùng ông lau mặt bàn, bà ngồi trước cửa đang cắm hoa vào lọ cúng, thấy vậy vội vàng ngăn lại: - Ấy! Con đừng trèo! Ngã đấy!

Thằng bé phụng phịu: - Ông vừa bảo cùng làm để thành người lớn! Thế con cứ bé mãi à!

Bà cười hồn hậu: - Bà có không cho con làm đâu! Cũng một lúc lớn bổng thế nào được! Con giúp ông lau bàn đặt lễ, được không nào?

Hiếu cười, tay xăng xái lau bàn. Thế mà khi nghe giảng giải vì sao hôm nay ông bà cẩn thận, kỹ càng thế này, cu cậu lại quên hẳn việc đang làm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghe ông nói, Tết đến nơi rồi nên phải sửa sang nhà cửa thật tươm tất để mời các cụ về ăn Tết, cu cậu láu táu: - Ông đã kể cho con nghe các cụ mất lâu rồi, lại ở dưới quê, làm sao các cụ lên đây ăn cỗ với ông cháu mình được?

- Ừ! Các cụ như người đi xa ấy, nhưng lòng vẫn nhớ con cháu, vẫn dõi theo. Con cháu mời gọi là các cụ đến bên ngay. Con cháu, anh em ở đâu thì các cụ, các ông ở đấy! Mãi mãi là như thế! Ngày Tết, ngày sum họp gia đình, những người được trân trọng mời đầu tiên phải là các cụ.

Hiếu thấy mắt ông ươn ướt, mắt nó cũng cay cay. Thoáng trong đầu nó chuyện cứ gặp anh chị sàn sàn tuổi là lại chí chóe, có khi còn "cạch" nhau. Nó cúi cúi đầu.

Dưới nhà bỗng vọng lên tiếng chuông cửa. Ông ngừng tay bảo: - Chắc nhà bác cả về đấy! Con xuống xem có đúng không!

Hiếu dạ một tiếng thật to rồi chạy xuống. Ồn ào dưới nhà một lúc, Hiếu líu ríu tay trong tay chị Hoài, cùng cả nhà bác cả đi lên. Các chị Hoài, Hòa cất tiếng chào ông rồi ôm chầm lấy bà. Bà mắng yêu: - Sắp lấy chồng cả rồi mà vẫn như trẻ con thế này!

Chị Hoài nũng nịu: - Con nhớ bà! Chỉ Tết con mới được ngửi hơi bà!

Hiếu nhìn vợ chồng bác cả hai tay đưa ông giỏ hoa quả, bánh kẹo... cùng ông bày lên bàn thờ, rồi chắp tay lẩm nhẩm khấn. Nó cũng lặng lẽ, trang nghiêm như hai bác.

Bác cả ôm lấy nó, nhấc bổng lên:

- Ái chà! Ra dáng người lớn rồi này!

Hiếu cười thật tươi, rồi nói vào tai bác:

- Cháu bật mí một bí mật với bác này! Nhưng bác phải giữ kín cơ, chứ ông nghe thấy, ông lại bảo cháu là thằng lanh chanh, trẻ con; bà bảo cháu là đồ chẽo choẹt!

Cả nhà ai cũng nhìn làm nó ngập ngừng. Bác cả vỗ vỗ vai ý chừng coi nó là người lớn rồi, rồi kéo ghế ngồi, hai bác cháu cùng ngoắc tay nhau:

- Ừ! Bác hứa sẽ không lộ thông tin.

Có vẻ cu cậu tin nhưng vẫn cảnh giác. Nó nhìn trộm ông, rồi lại nhìn bà:

- Bà đã sắp xếp sạch sẽ phòng hai bác, phòng hai chị rồi nhé, nhưng lại bảo: "Con cái người ta về ăn Tết cả, sao nhà cả vẫn không về? Khéo ế phòng! Tệ thật!". Ông không nói nhưng một tuần nay cứ mở toang cửa phòng khách, ngồi nhìn ra, còn bê cả ghế tận cổng ngồi!

Thì thầm nhưng lời thằng bé rõ mồn một, ai cũng nghe thấy. Miệng ai cũng cười nhưng Hiếu thấy không ai cười ra tiếng. Bỗng chị Hòa nói to:

- Ông bà ơi! Bố mẹ và chúng cháu dành cho ông bà bất ngờ đấy! Hiếu chả hiểu thế nào cả, chị Hoài biết thế nên bảo:

- Thường tình nghĩa là năm nào cũng về! Tết là xa mấy, nhọc nhằn mấy cũng phải về để hưởng cái tình bao bọc của ông bà, bố mẹ, anh em chứ! Nhưng bất ngờ là không báo trước ngày về để bà đỡ thấp thỏm bấm đốt ngón tay!

Bà nghe chị Hòa nói thế, mắng yêu:

- Cha bố chị! Chỉ được cái lẻo mép!

Cả nhà cùng cười vang. Ông lên tiếng:

- Thôi xuống dưới nhà đi! Chiều tối nay cúng tất niên nhé!

Hôm nay, các bác và bố mẹ không phải đi làm, Hiếu thấy nhà rộn ràng hơn hẳn. Bác biếu ông bà cây đào, bác biếu cây quất. Bố mua về chậu lan thật to. Rực rỡ phòng khách. Mỗi người một chân một tay chuẩn bị, Hiếu cũng xăng xái tham gia.

Nhà ông bà thường tuần nào cũng có bữa cơm chung. Nhưng hôm nay, Hiếu thấy có gì khang khác. Hiếu đem điều đó đố các anh các chị. Anh Thế nói:

- Hôm nay có đủ sơn hào, hải vị.

Hiếu thắc mắc, anh chỉ từng món, nói:

- Sơn hào là các món trên rừng. Hải vị là đồ biển. Đủ cả.

Chị Hoài không để ý món ăn mà nhìn mọi người: - Hôm nay, chị thấy ai cũng ăn mặc đẹp, lịch sự nhé! Từ ông bà đến chị em chúng mình nhỉ?

Hiếu gật gật đầu: - Phải rồi! Nhưng em phát hiện điều này mới hay cơ!

Mọi người dồn hỏi, Hiếu nhìn bà: - Hôm nay, bà đóng vai ma ma gì nhỉ? À tổng quản. Bà không làm một mình là chính như các lần nhé.

Chị Hòa khen Hiếu quan sát giỏi! Rồi chị quay sang chị Trà: - Còn ý kiến của nữ sĩ?

Chị Trà nhỏ nhẹ: Em thấy em Hiếu lạ lắm? Nó không chành chọe với em, không "cạch" em!

Mấy chị em rộ lên cười làm Hiếu bừng đỏ mặt. Hiếu đánh trống lảng: - Nhưng mà em vẫn thấy nhà mình thiếu thiếu người!

Chị Trà nhanh nhảu: - Đúng rồi! Vắng vợ chồng chị Thảo và Thỏ con xinh đẹp!

Chị Hòa xuýt xoa: - Ừ ! "Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi!". Thảo thiệt thật! Nhớ Thỏ con ghê, cứ tưởng Tết về nó đã ở nhà!

Tiếng ô tô đỗ trước cửa. Anh Thế nhìn ra nói: - Oa, nhà chị Thảo! Vừa nhắc đến Tào Tháo là Tào Tháo đến!

Cửa vừa mở, Thỏ con lon ton chạy vào. Bà và các bác trong bếp cũng ùa ra. Mọi người cười nói râm ran khắp mấy phòng. Bố Thỏ lễ mễ bê vào can rượu trắng thật to, miệng ấp úng: - Dạ! Bố cháu gửi biếu ông ạ!

Anh Thế đến bên Thỏ con: - Thế này là thêm cái mới, Hiếu nhé! Năm nay nhà ta đón Tết có "tứ đại đồng đường"! 4 thế hệ!

Người lớn gật đầu, còn mấy chị em bảo nhau lẩm nhẩm đếm, rồi cùng reo to: - Kỹ sư công nghệ tương lai có khác, giỏi thật!

Bỗng tiếng chuông cửa reo. Hiếu ra mở cửa, gọi lên gác: - Ông ơi! Nhà có khách!

Khách là một ông già da nâu bóng, gày gò, quần áo công nhân, đầu đội mũ cứng, chân đi dép tổ ong. Ông xuống trông thấy ông khách, hồ hởi reo:

- Ông Bích. Ông đi những đẩu những đâu mà giờ mới xuất hiện thế này?

Nói rồi, ông quay sang con cháu: - Nhà mình, có người đã biết, có người chưa. Ông Bích là người làm cỏ vườn quanh năm cho các nhà ở thôn ngày nhà mình còn trên miền núi. Ông làm cỏ giúp nhà mình, ăn nghỉ ở nhà mình có đoạn mấy tháng liền. Ông không có vợ con, người thân. Thật ra, người thân của ông ở đâu, ông cũng không nhớ, không liên lạc. Một người tốt, rất tự trọng nhưng số phận không may mắn.

Bà từ trong bếp bước ra, giọng xót xa:

- Ông đi đâu cả năm nay, đến bà con Trung Nghĩa cùng lo lắng, có người còn bập bập miệng "không khéo..."?

Ông nghiêng nghiêng tai nhỏn nhẻn:

- Em đi tìm chế độ ở những nơi xưa em làm công nhân. Đến đâu giúp việc nơi ấy để ăn, để sống, để tìm nhưng chả ăn thua. Chỗ thì giải thể. Chỗ người cũ chẳng còn ai. Rồi em lăn ra ốm. Người ta thương đưa vào viện. Viện vừa cho ra. Không ở Hải Dương được nữa, Tết đến rồi, ai người ta thuê, cho ở cho ăn. Nhờ được xe tải, em về trên này...

Ông ân cần:

- Thật khổ! Thảo nào trông người xanh xao, gầy gò quá! Thế ông định thế nào?

- Em rẽ vào chào ông bà rồi ngược?

- Ông lại về Trung Nghĩa hả? bà hỏi.

- Vâng! Em lại về với ông Toàn, người trông nghĩa trang, cũng một thân một mình như em. Tết nào em chả ở nhờ ông ấy!

Bà thở dài: Ông Toàn mới mất rồi!

Ông Bích run run: - Thế ư? Ôi!

Ông đưa mắt nhìn bà, rồi nhìn ông Bích. Ông ấm áp: - Vợ chồng tôi mời ông ở đây ăn Tết với gia đình! Ra Giêng ta tính sau!

Ông Bích lắc đầu quầy quậy: - Không được! Cho em cảm ơn nhưng không được! Em không ở được. Tết nhất kiêng kỵ không cho người lạ, người ngoài ở, em lại ốm đau! Dại miệng, ngộ nhỡ...

Ông Bích ngập ngừng rồi lại nói:

- Nhà ông bà, Tết toàn khách sang trọng, em nhếch nhác thế này...

Bác cả nắm tay ông Bích:

- Sao bác lại bảo bác là người lạ, người ngoài ạ? Bác còn nhớ cháu không?

Ông Bích nhìn bác cả: - Quên thế nào được! Nhớ cả chuyện hồi anh còn bé đi bán kem, năm anh lấy vợ tôi còn được ăn cỗ mà.

- Các em cháu bác còn nhớ không?

Ông vanh vách kể tên từng người. Bác cả ngắt lời ông: - Đấy! Mấy mươi năm rồi, cả nhà cháu đã coi bác là người nhà!

Bố Hiếu nói thêm: - Nhà cháu gần viện, bác không phải nghĩ ngợi!

Mỗi người một câu, ông Bích đã chịu ở lại.

Bàn ăn đã được kê, mọi người quây quần bên mâm cơm Tất niên. Ông nâng chén rượu: Tết này, nhà ta nhiều niềm vui. Con cháu về đủ, ông lại có thêm bạn già. Mỗi Tết là một đoàn tụ, sum họp. Mỗi Tết gắn bó là thắm tình, thắm nghĩa! Mong sao các con, các cháu, chắt nhớ về nguồn cội, sống tốt với người trong nhà nhưng cũng sống nghĩa tình với người xung quanh!

Tiếng chúc tụng thật rôm rả. Thỏ con líu tíu tay cầm cốc nhựa đòi mẹ bế đến bên các cụ chạm chén như người lớn. Mắt Thỏ tròn vo. Miệng Thỏ chúm chím, bập bẹ tiếng hai tiếng "chụ, chụ". Tiếng vỗ tay hoan hô Thỏ thật náo nức.

Theo Báo Bắc Giang