Chăn nuôi tập trung bằng hình thức trang trại là mô hình được khuyến khích phát triển hiện nay
Đối diện dịch bệnh
Kể từ khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi, lượng heo nuôi của các hộ gia đình, trang trại trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể, từ đó nguồn cung thịt heo hơi cho thị trường nội tỉnh không đủ, thương lái phải đến các địa phương khác như: Bến Tre, Đồng Nai… để nhập heo về giết mổ. Cuối tháng 10-2019, cá biệt có một số thương lái sang Campuchia để mua heo trôi nổi, mang về giết mổ. Sự thiếu hụt nguồn cung đẩy giá thịt tại các sạp bán thịt heo ở chợ truyền thống tăng đến mức “chóng mặt”. Cụ thể, đối với thịt ba rọi, sườn non, tại chợ Tân Châu, Châu Đốc, An Phú trước đây có giá khoảng 120.000 đồng/kg, nay người tiêu dùng phải mua từ 150.000 đồng/kg trở lên. Các loại thịt khác như: thịt đùi, nọng, sườn cốt lết, thịt nạc… đều tăng.
“Tôi rất buồn khi chăn nuôi đang phát triển, bỗng dưng trên địa bàn xã xuất hiện ổ bệnh dịch tả heo Châu Phi, heo trong chuồng buộc phải mang đi tiêu hủy. Vốn liếng của vợ chồng tích lũy qua bao nhiêu năm, nay chỉ cơn dịch bệnh đi qua xem như trắng tay, mặc dù nhà nước có hỗ trợ một số tiền để bù đắp, nhưng không thể nào đủ so với số tiền mình đã vay ngân hàng” - chị Trần Thị Hậu (xã Tân An, TX. Tân Châu) chia sẻ.
Không chỉ gia đình chị Hậu mà trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ chăn nuôi heo buộc phải mang heo đi tiêu hủy vì đàn heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi. Nhìn lại quá trình phát triển chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh cho thấy, đây là nghề giúp rất nhiều nông hộ có thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn một cách hiệu quả. Những năm gần đây, nhất là kể từ khi Việt Nam tham gia sâu vào tiến trình hội nhập với nền kinh tế thế giới, do cách tổ chức chăn nuôi mang tính nhỏ lẻ, tự phát nên đa phần số hộ chăn nuôi đều bị thua lỗ.
Giá cao nhưng không có heo để bán
“Những năm trước, khi Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu heo qua đường tiểu ngạch, giá heo trong tỉnh có thời điểm lên đến 52.000 đồng/kg. Lúc đó, ai cũng đổ xô nuôi heo, khi tổng đàn heo trong nước tăng mạnh, lúc này thương lái Trung Quốc ngưng thu mua. Tình trạng cung vượt cầu xảy ra, có thời điểm heo chỉ còn 25.000 đồng/kg nhưng chẳng có thương lái nào đến mua, hàng ngàn hộ nuôi heo trong tỉnh thua lỗ. Tình trạng giá cả lên xuống bất thường cộng với dịch bệnh xảy ra những năm gần đây đã làm người chăn nuôi heo liên tục bị thua lỗ, nhiều hộ hết vốn, bỏ đi các nơi khác để làm thuê kiếm sống qua ngày” - bà Nguyễn Thị Kim Lan (xã Long An, TX. Tân Châu) tâm sự.
Gia đình bà Lan chăn nuôi heo từ năm 1980 đến nay, dù lời nhiều hay ít, năm nào bà Lan cũng có heo xuất chuồng, nhất là vào thời điểm cận Tết. Nhờ nghề chăn nuôi heo, bà Lan lo cho các con ăn học đàng hoàng. Khi trên địa bàn xảy ra bệnh dịch tả heo Châu Phi, đàn heo của bà bị mang đi tiêu hủy, vì vậy dù lúc này, giá heo được thương lái mua đến 65.000 đồng/kg nhưng bà vẫn không có heo để bán. “Lúc hộ nuôi không còn heo bán, thị trường mới lên giá. Đây là cái khó của nông hộ nuôi heo hiện nay. Đối với chúng tôi, đầu ra vẫn là quan trọng. Những năm qua, hộ nuôi đa phần nuôi theo phong trào chứ chưa có một hợp đồng liên kết tiêu thụ, vì vậy người tham gia sản xuất ở ngành hàng này luôn có cuộc sống bấp bênh” - bà Lan chia sẻ thêm.
Heo giá cao, hộ chăn nuôi không có heo bán, thương lái gặp khó vì phải chạy ra các tỉnh, thành phố khác để nhập hàng về giết mổ. Ngày 20-11 vừa qua, giá heo nhập về tại Lò giết mổ tập trung Cái Dung (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) là 72.000 đồng/kg. Tại đây, sau khi ra thịt, thương lái bỏ thịt cho các sạp ở chợ có giá 93.000 đồng/kg. Giá cao nhưng số lượng heo giết mổ hàng đêm của mỗi thương lái giảm đến 50%. “Heo giá cao, thương lái mua heo không dễ. Hiện hàng đêm chúng tôi chỉ mổ bằng phân nửa so với trước đây. Thời điểm heo không biến động giá, vậy mà có lời. Nay, heo tăng giá đột ngột, thương lái cũng gặp khó” - ông Trần Văn Hải (một thương lái heo ở lò mổ Cái Dung) tâm sự.
Giá heo ở mức cao, người nuôi và thương lái đều gặp khó. Đây là thực tế đang đặt ra cho ngành nông nghiệp. Giải pháp cho vấn đề này là tổ chức tái đàn ở những địa phương không còn dịch bệnh, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng chăn nuôi theo chuỗi để hộ nuôi không còn lo đầu ra, bình ổn cung - cầu, tạo sự ổn định về giá cả trên thị trường, có vậy thì nghề chăn nuôi heo của nông dân mới hết bấp bênh.
“Ngành nông nghiệp đang hướng hộ chăn nuôi heo theo mô hình an toàn sinh học, đồng thời vận động bà con đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình tổ hợp tác hoặc hợp tác xã. Việc này, để hộ nuôi có thông tin về thị trường, mặt khác thực hiện liên kết trong khâu tiêu thụ để khỏi phải lo đầu ra, giá cả bấp bênh như hiện nay” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.
MINH HIỂN