Nghị lực thoát nghèo

29/03/2020 - 23:38

 - Thông qua việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, bà con đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở huyện Tri Tôn (An Giang) có điều kiện phát triển sản xuất; lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo ở địa phương.

Nghị lực thoát nghèo

Đến ấp Phước An (xã Ô Lâm, Tri Tôn) hỏi thăm gia đình anh Chau Choi (sinh năm 1975) thì gần như ai cũng biết và nể phục trước tấm gương vượt khó, vươn lên làm giàu của gia đình anh. Hôm chúng tôi đến, anh Chau Choi vừa đi ruộng về, quần áo còn lấm lem bùn đất. Xởi lởi mời chúng tôi lên căn nhà khang trang vừa mới xây dựng được 3 năm, anh Chau Choi cho biết, để có được cơ ngơi như hôm nay là quá trình phấn đấu lâu dài và lao động cực khổ.

Anh Chau Choi sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề nông. Năm 21 tuổi, anh Chau Choi lập gia đình và được cha mẹ 2 bên cho 4 công đất (tầm cắt) để sản xuất. Sau đó, anh được hỗ trợ thêm 5 công đất theo chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo của chính quyền địa phương. Tuy chịu thương chịu khó và cần cù trong lao động nhưng đời sống vẫn gặp khó khăn, do năng suất lúa bấp bênh, gia đình anh Chau Choi phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.

Từ một hộ khó khăn, gia đình anh Chau Choi đã trở nên khấm khá hơn

Những năm gần đây, Hội Nông dân xã Ô Lâm phối hợp các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân trong canh tác lúa, như: “1 phải, 5 giảm”; “3 giảm, 3 tăng”, các phương pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây lúa… anh Chau Choi luôn dành thời gian để tham gia các lớp tập huấn này.

Bên cạnh đó, anh còn tìm tòi, học hỏi thêm những kỹ thuật sản xuất mới trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó anh có cái nhìn mới về cây lúa và quá trình canh tác lúa. Anh Chau Choi đã mạnh dạn gia tăng sản xuất lúa lên 3 vụ/năm, nhờ vậy giúp gia tăng đáng kể nguồn thu nhập cho gia đình. Có được lợi nhuận, anh đầu tư mua thêm đất để sản xuất, mở rộng diện tích canh tác lên 15 công đất.

“Nhờ những kiến thức đã được tiếp thu thông qua các lớp tập huấn và những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình sản xuất, việc canh tác lúa của gia đình tôi có nhiều tiến triển so với trước đây. Năng suất lúa bình quân đạt từ 800-900kg/công trong vụ đông xuân và 700-800kg/công (2 vụ còn lại). Việc canh tác lúa mỗi năm đem lại nguồn thu nhập cho gia đình tôi khoảng 40 triệu đồng” - anh Chau Choi vui vẻ chia sẻ.

Cuộc sống đủ đầy

Ngoài việc canh tác lúa, anh Chau Choi còn nghiên cứu phát triển thêm mô hình chăn nuôi heo và nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ sự nhanh nhạy, tháo vát và khả năng tiếp thu những kiến thức, kỹ thuật chăm sóc qua các buổi tập huấn về chăn nuôi do địa phương tổ chức, anh đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, từ đó mạnh dạn áp dụng vào sản xuất.

Trong khu vực chuồng trại chăn nuôi của anh Chau Choi luôn duy trì số lượng 2 con bò và 2 con heo nái. Thu nhập từ việc chăn nuôi mỗi năm khoảng 20 triệu đồng. “Dự định thời gian tới, tôi sẽ cố gắng lao động nhằm mở rộng quy mô chăn nuôi để phát triển kinh tế, đời sống gia đình ngày càng nâng cao và ổn định” - anh Chau Choi chia sẻ.

Từ cuộc sống nghèo khó, anh Chau Choi đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ các vật dụng sinh hoạt có giá trị cho gia đình. Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế, anh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên hội nông dân và bà con xung quanh nên được mọi người tin yêu và quý trọng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ô Lâm Tiêu Đình Hiếu Nhân Hậu đánh giá, anh Chau Choi là tấm gương vượt khó trong phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi của địa phương để nông dân học tập và làm theo.

“Ý thức của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đang ngày càng được nâng lên. Họ không còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước, mà đã cố gắng lao động, sản xuất. Người dân đã ý thức hơn về phát triển kinh tế gia đình và xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ô Lâm Lộ Vinh Huy nhận định.

 

ĐỨC TOÀN