Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở LHQ. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ (quân số khoảng 320 người). Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Đồng thời, đóng góp vào sự thành công của Việt Nam trong việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Tuy nhiên, việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ là một nhiệm vụ mới, chưa được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật của Quốc hội để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về lĩnh vực này. Trong quá trình triển khai tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã và đang phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là về cơ sở pháp lý: cơ chế xây dựng lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, công tác quản lý nhà nước, bảo đảm nguồn lực, chế độ, chính sách đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ nhằm quán triệt quan điểm của Đảng về đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thông lệ quốc tế, các điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Mặt khác, kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và tuân thủ theo Luật Ngân sách nhà nước nên không thể chi cho nhiệm vụ này. Vì vậy, Nghị quyết quy định ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ là nhằm tạo cơ sở pháp lý để bố trí nguồn lực cho hoạt động theo đúng quy định.
Sau khi nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, 94,4% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Về phạm vi điều chỉnh, nghị quyết quy định về nguyên tắc, hình thức, lĩnh vực, lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, kinh phí bảo đảm, chế độ, chính sách và quản lý nhà nước đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Về đối tượng áp dụng, Nghị quyết quyết nghị các đối tượng sau: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ; cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Về nguyên tắc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh; sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và quản lý nhà nước của Chính phủ. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; phù hợp với Hiến chương LHQ, pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bảo đảm độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Chỉ tham gia hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình sau xung đột, vì mục đích nhân đạo trên cơ sở đề nghị của LHQ. Chỉ triển khai ở quốc gia, khu vực đã được LHQ thành lập phái bộ và tại các cơ quan của LHQ.
Về kinh phí bảo đảm, ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ và bồi thường thiệt hại cho LHQ hoặc bên thứ 3 do lỗi của lực lượng Việt Nam. Tiền bồi hoàn của LHQ, các nguồn hỗ trợ hợp pháp được nộp vào ngân sách nhà nước và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Chính phủ quyết định việc bồi thường thiệt hại do lỗi của lực lượng Việt Nam gây ra. Về chế độ, chính sách, cá nhân, đơn vị trực tiếp và gián tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với tính chất nhiệm vụ và đặc thù của hoạt động theo quy định của Chính phủ. Trong thời gian tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, cá nhân, đơn vị có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ được khen thưởng theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của LHQ; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng cá nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Cá nhân bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh, từ trần trong khi thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ được giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của LHQ.
T.M