Người kể chuyện ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê

18/02/2024 - 14:36

 - Thuyết minh viên không chỉ là nghề mà là cả một nghệ thuật - nghệ thuật cuốn hút người nghe vào câu chuyện, làm cho một điểm đến, để một di tích trở nên “có hồn”. Việc thuyết minh hiệu quả không chỉ phụ thuộc vào nội dung thông tin, mà còn phụ thuộc vào cách thức truyền đạt thông tin đến với du khách. Hãy lắng đọng cảm xúc để nghe câu chuyện nghề của những thuyết minh viên ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn).

“Khó, khô” và “cực”

Hay còn được gọi là 2 “K” và 1 “C” khi thuyết minh về những khu di tích khảo cổ mà chúng tôi mường tượng được. Một trong những khám phá quan trọng nhất của lịch sử Đông Nam Á nằm ở phía hạ lưu dòng Mekong đó là những khám phá về văn hóa Óc Eo. Văn hóa Óc Eo là nền văn hóa bản địa gắn liền với sự tồn tại của Vương quốc Phù Nam - một vương quốc hùng mạnh nhất Đông Nam Á những năm đầu công nguyên (từ thế kỷ thứ II - VII).

Từ những giá trị của các di tích và di vật được tìm thấy, ngày 27/9/2012, Khu di tích Óc Eo - Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Với tính chất đặc thù và giá trị lịch sử, thuyết minh viên về Khu di tích Óc Eo - Ba Thê đòi hỏi sự am tường, hiểu biết và vốn kiến thức nhất định, mới có thể truyền đạt đúng những giá trị, ý nghĩa về khu di tích. Công tác tại Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo An Giang hơn 10 năm, song Đào Kim Thu (sinh năm 1988) bén duyên với việc thuyết minh viên 3 năm nay.

Thuyết minh viên khu di tích phải có niềm đam mê và năng khiếu mới làm tốt nhiệm vụ

“Tốt nghiệp ngành Việt Nam học (Trường Đại học An Giang) là một lợi thế khi tôi được kiêm nhiệm công việc thuyết minh viên. “Kho” kiến thức đồ sộ về văn hóa Óc Eo - Ba Thê tại đơn vị công tác giúp tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu, thu thập thông tin chính xác, phục vụ cho việc thuyết minh. Song, khó khăn lớn nhất vẫn là làm thế nào để dung nạp lượng kiến thức đồ sộ về một nền văn hóa cổ, từng rất thịnh vượng.

Học thuộc không phải là giải pháp hữu hiệu. Vậy là, tôi chọn cách đọc - hiểu. Vừa đọc, vừa tìm hiểu, vừa ghi lại những vấn đề quan trọng, lập thành sơ đồ tư duy cho bản thân, giúp tôi tự tin hơn khi thuyết minh về Khu di tích Óc Eo - Ba Thê cũng như những hiện vật được khai quật, trưng bày tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo” - Kim Thu chia sẻ kinh nghiệm.

Điểm thu hút khách tham quan khá nhiều chính là những hiện vật tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo. Tủ trưng bày những hiện vật văn hóa tiền Óc Eo tìm thấy trên vùng đất An Giang có niên đại từ 2.500 - 3.000 năm… với các loại hình, như: Vòng tay đá, rìu đá, đồ dùng sinh hoạt như nồi gốm, bát bồng và cả xương, răng động vật. “Qua thuyết minh về những đồ trang sức nhiều hình dạng phong phú đeo trên cổ, trên tai, vòng tay, vòng chân… tôi thấy rằng, cư dân Óc Eo có đời sống thẩm mỹ cao. Tôi đặc biệt khâm phục trí nhớ, giọng trình bày của những thuyết minh viên nơi đây!” - chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (36 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) bày tỏ.

Biến khó khăn thành đam mê

Tùy theo từng đối tượng khách tham quan, thuyết minh viên sẽ chủ động điều tiết thông tin, thể hiện cảm xúc phù hợp với từng nội dung trưng bày cố định và trưng bày chuyên đề, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan tìm hiểu nội dung, hiện vật trưng bày. Chẳng hạn với những người đến nghiên cứu thì đội ngũ thuyết minh viên sẽ giới thiệu sâu, kỹ hơn, đồng thời giải đáp thắc mắc về các vấn đề mà họ quan tâm. Còn đối với các em học sinh, thuyết minh viên sẽ tập trung giới thiệu những hiện vật, di tích khảo cổ có giá trị gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Óc Eo xưa, với ngôn từ đơn giản, bình dân, dễ hiểu.

Có người ví von, thuyết minh viên là nghề “làm dâu trăm họ”. Khi hỏi các thuyết minh viên ở Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo An Giang, mọi người chỉ mỉm cười bảo rằng nghề nào cũng vất vả như nhau. Quan trọng, mỗi thuyết minh viên phải có năng khiếu, niềm đam mê với những hiện vật thì mới có thể truyền tải một cách sống động nhất. Việc thuyết minh ở nhà trưng bày sẽ rất khác khi thuyết minh ngoài trời, tại các di tích đã được khai quật.

Theo đó, khi thuyết minh hiện vật tại nhà trưng bày, cần khái quát những nét đặc trưng nhất để khách tham quan tiếp thu thông tin ngắn gọn, xúc tích. Còn khi ở ngoài trời, được “mục sở thị” các di tích khảo cổ về nền văn hóa Óc Eo - Ba Thê, người thuyết minh phải truyền đạt những giá trị, ý nghĩa các di tích khảo cổ đã và đang mang lại trong đời sống hiện nay.

Thuyết minh viên chỉ là công tác kiêm nhiệm của anh Trần Thiện Khâm (Trưởng phòng Quản trị và du lịch, Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo An Giang). Những khi đơn vị cần, anh Khâm sẵn sàng làm một thuyết minh viên chuyên nghiệp, giới thiệu du khách hiểu thêm về văn hóa Óc Eo - Ba Thê.

“Bất kể khi nào có đoàn tham quan, chúng tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ, kể cả thứ bảy hay chủ nhật. Việc thuyết minh di tích đòi hỏi phải có kiến thức nhất định, khác với thuyết minh về một danh lam thắng cảnh. Những câu hỏi du khách đặt ra, ít nhất người thuyết minh phải giải đáp được trên 80%. Bởi, vẫn còn những vấn đề mà đến nay các nhà khảo cổ học vẫn còn nghiên cứu và tranh luận. Tuy vậy, việc thuyết minh giúp tôi nâng cao kiến thức, phục vụ  tốt công việc chuyên môn” - anh Khâm tâm tình. 

Bằng chính cái “tâm” với công việc, anh Khâm, chị Thu đã tự trau dồi kiến thức, thẩm thấu lịch sử, và mạch cảm xúc để truyền tải thông điệp “ngủ sâu” hàng ngàn năm dưới lòng đất. Những thuyết minh viên ở đây từng trực tiếp tiếp chuyện và đưa các đoàn khách Trung ương tham quan di tích Óc Eo - Ba Thê. Đó là vinh dự nhưng cũng là trọng trách quan trọng của người thuyết minh. Bởi, bất cứ di vật khảo cổ nào được du khách thắc mắc cũng được thuyết minh viên giải thích bằng phong cách kể chuyện chứ không phải đơn thuần là “thuyết minh”… cho biết.

Chị Lê Thị Hậu (Trưởng phòng Nghiệp vụ và bảo tàng, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo An Giang) cho biết, ban quản lý có 5 thuyết minh viên, đa phần là kiêm nhiệm. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cần thiết.

Thời gian tới, ban Quản lý tăng cường các giải pháp, như: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ thuyết minh viên; đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại để tăng hiệu quả công tác thuyết minh. Ngoài ra, đội ngũ thuyết minh viên cần quan tâm đến việc nâng cao trình độ ngoại ngữ.

PHƯƠNG LAN