Người lao động tất bật kiếm thu nhập dịp Tết

17/01/2023 - 06:48

 - Cuối năm, ai cũng tất bật với công việc của mình, người thì lo việc cơ quan, người thì lo việc nhà. Đối với người lao động, thời điểm này là cơ hội để họ có thêm nhu nhập trang trải Tết.

Anh Võ Thành Ân (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) có công việc chính là làm bảo vệ tại một cơ quan. Những ngày gần Tết, anh tham gia trực ca đêm, còn ban ngày được nghỉ nên tranh thủ làm thêm công việc lặt lá mai để cải thiện thu nhập. “Công việc lặt lá mai chỉ có ít ngày nên tôi tranh thủ làm nhanh, mỗi ngày tôi kiếm thêm được 300.000 đồng. Gần Tết cần nhiều lao động, tôi cố gắng làm thêm một số việc khác để có tiền sắm sửa và mua ít đồ trang trí nhà cửa” - anh Ân chia sẻ.

Chị Hứa Lan Anh (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) đang làm ở tiệm mỹ phẩm. Từng là nhân viên phục vụ tại một nhà hàng nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhà hàng giảm số lượng nhân viên nên chị phải chọn việc khác để làm. Tuy công việc vất vả nhưng nhìn chung cũng ổn định, chị Lan Anh quyết định gắn bó đến giờ.

“Ngoài công việc hàng ngày, tôi còn bán hàng online và nhận trang trí những bình hoa để bàn cho khách chưng vào dịp Tết. Lúc đầu, công việc bán hàng có chút khó khăn vì chưa có nhiều người biết đến. Ngày qua ngày, tôi tạo được lòng tin của mọi người, bán những sản phẩm chất lượng nên đơn hàng ngày càng nhiều, có đồng ra đồng vào” - chị Lan Anh thông tin.

Người phụ nữ này cho biết thêm, gần Tết, nhiều người nhờ chị thiết kế mẫu bình hoa “Con mèo chiêu tài” để trang trí dịp Tết. Năm nay, mẫu này đang rất “hot”, lượng khách đặt hàng rất nhiều nên phải làm đến khuya để kịp giao hàng cho khách. “Tuy mấy ngày cận Tết hơi mệt, nhưng nghĩ đến có thêm thu nhập lo cho gia đình, tôi có thêm động lực để tiếp tục công việc của mình” - chị Lan Anh vui vẻ.

Vừa rửa xong một chiếc xe cho khách, ông Hà Văn Phước Em (ngụ TP. Long Xuyên) uống một ngụm nước rồi tranh thủ ngồi nghỉ mệt. “Lúc trước, tôi làm nghề chạy "xe ôm", rồi sau đó chuyển qua làm công nhân chế biến thủy sản. Công việc vất vả và nặng nhọc nên tôi quyết định nghỉ việc, về nhà làm công việc rửa xe do anh tôi làm chủ, thế là tôi đã gắn bó với nghề hơn 5 năm” - ông Phước Em kể lại.

Theo ông Phước Em, việc rửa xe tuy vất vả nhưng được ở gần nhà, không phải thức khuya, dậy sớm để đi làm giống như công việc trước đây. Hàng ngày, ông Phước Em có mặt tại tiệm rửa xe lúc 6 giờ 30 phút sáng, chuẩn bị dụng cụ rửa xe. Hai anh em ngồi uống cà-phê, trò chuyện một lúc trước khi khách đến. Những ngày gần Tết, khách rửa xe đông hơn hẳn. Nhiều người quan niệm rằng, bước qua năm mới cái gì cũng phải mới nên phải rửa thật sạch “con ngựa chiến của mình” để đón năm mới tinh tươm, làm ăn thuận lợi.

“Thế nên, những ngày này, tôi và anh tôi mở cửa rất sớm và kết thúc tới tận tối để tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Công việc có tất bật hơn nhưng bù lại, thu nhập cao hơn nhiều so với ngày thường, có thêm chút tiền cho gia đình mua sắm Tết” - ông Phước Em bộc bạch.

Dạo quanh nhiều con đường vào những ngày này, xe cộ trở nên đông đúc và nhộn nhịp hơn hẳn, ai nấy cũng đều hăng say trong công việc. Cận Tết, dù công việc có nhiều hơn, mệt nhọc, vất vả hơn, những người lao động tranh thủ lau vội mồ hôi, chú tâm vào công việc, cố gắng hoàn thành nhanh nhất có thể. Họ phải "chạy đua" với thời gian và công việc, với mong muốn có thêm được một ít thu nhập để lo cho gia đình. Ước muốn đối với họ là có được một cái Tết ấm no, sung túc bên người thân, xua tan bộn bề năm cũ để bước sang năm mới nhiều kỳ vọng hơn.

HÀ PHÚC