Người sáng tạo máy đánh đường thốt nốt

02/02/2023 - 06:45

 - Tại Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ IX, sản phẩm “Máy đánh đường thốt nốt” của anh Phạm Quốc Huy (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao và đạt giải khuyến khích. Sản phẩm góp phần giải phóng công sức, thời gian cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer trong việc nấu đường thốt nốt; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống của địa phương.

Nấu đường thốt nốt là nghề truyền thống của bà con đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi. Nghề này có từ lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không diễn ra quanh năm, việc nấu đường thốt nốt bắt đầu vào mùa khô. Thời điểm này, thốt nốt cho nước ngọt nên đường nấu ra chất lượng cao. Nhờ nghề này mà nhiều hộ đồng bào DTTS Khmer có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Để cho ra sản phẩm đường thốt nốt phải trải qua nhiều công đoạn. Khi đến mùa thu hoạch nước (từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch năm sau), bà con đồng bào DTTS Khmer sẽ dùng thang tre để leo lên ngọn cây. Trên ngọn cây, người ta cắt phần ngọn của những cuống hoa (hay còn gọi là lưỡi mèo) để lấy nước. Trước đây, bà con thường dùng tre gai, ống to, giao lóng để hứng nước thốt nốt, nhưng ngày nay không còn dùng ống tre nữa, mà thay vào đó là thùng nhựa loại nhỏ để nhẹ công mang lên cây.

Sản phẩm máy đánh đường thốt nốt đoạt giải khuyến khích tại Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ IX

Người ta dựng những căn chòi nhỏ dưới gốc cây thốt nốt để làm nơi nấu đường. Nước thốt nốt sau khi đem về được lọc qua miếng vải cho sạch bụi, ong, kiến… rồi cho vào nồi nấu. Lửa nấu đường phải cháy đều, người thợ vừa nấu vừa dùng đũa khuấy liên tục. Đũa cả dùng để đảo đường được làm bằng cật tre già, đẽo tựa mái chèo nhỏ. Những người có kinh nghiệm chỉ cần nếm nước thốt nốt là biết được hàm lượng của đường bên trong.

Sau thời gian 6-7 tiếng, nước cô đặc thành đường. Quá trình nguội dần của đường trong tự nhiên cũng là lúc mà chúng kết tinh lại thành những tinh thể mịn. Sau khi cô đặc đạt yêu cầu, chảo được nhắc ra khỏi lò, khuấy phần mặt đường liên tục 30 phút để tách phần bọt trắng, đường lúc này có màu vàng tươi đặc trưng, rất bắt mắt. Bình quân khoảng 8-10 lít nước thốt nốt sẽ thu về 1kg đường.

Các công đoạn trong quá trình nấu đường thốt nốt chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Ở công đoạn làm nguội, người nấu sẽ dùng những chiếc đũa tre lớn để “đánh” đường. Công đoạn này mất nhiều thời gian, công sức, chất lượng mỗi mẻ đường không đồng đều…

Trước những khó khăn, trăn trở của người dân trong việc nấu đường thốt nốt, anh Phạm Quốc Huy đã dày công nghiên cứu, phát triển sản phẩm máy đánh đường để giúp bà con tăng năng suất lao động. Theo anh Huy, đây là công cụ sản xuất thay thế sức lao động của con người trong khâu “đánh đường”. Sản phẩm giúp tiết kiệm thời gian, công sức lao động, nâng cao chất lượng, tạo ra sản phẩm đồng đều; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nâng cao chất lượng đặc sản đường thốt nốt. Đồng thời, góp phần giúp đỡ bà con Khmer tiếp tục lưu giữ, bảo tồn và phát triển nghề nấu đường thốt nốt truyền thống.

Sản phẩm máy đánh đường thốt nốt có cấu tạo khá đơn giản, gồm: Khung đế, trục xoay, cánh quạt (đánh đường). Máy có thể đặt ngay tại chỗ nấu đường, tạo sự thuận tiện cho bà con. Anh Huy cho biết, một trong những ưu điểm của máy là chi phí sử dụng điện rất thấp, khoảng 1kw điện cho 5 giờ vận hành. Máy sử dụng nguồn điện thông dụng 220V, không tạo ra khí thải và tiếng ồn động cơ…

Với việc sử dụng máy này, khi khuấy đường tạo sự đồng đều, sản phẩm đạt chất lượng cao hơn, đường mịn, có màu đẹp và đều hơn, nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, sản phẩm giúp tiết kiệm thời gian, công sức lao động. Từ đó, giá trị sản phẩm được nâng cao, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho đồng bào DTTS Khmer.

Anh Huy tin tưởng, máy đánh đường thốt nốt sẽ giúp cho bà con Khmer tiếp tục lưu giữ, bảo tồn và phát triển nghề nấu đường thốt nốt truyền thống, cũng như nâng cao chất lượng đặc sản đường thốt nốt Bảy Núi An Giang. Đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản An Giang tốt hơn. Sản phẩm hiện đã được đưa đến tay nhiều hộ sản xuất đường thốt nốt trên địa bàn huyện Tri Tôn.

 ĐỨC TOÀN