Người tiêu dùng liệu có dễ tính?

11/04/2025 - 07:31

 - Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội (MXH)đã trở thành công cụ mua sắm phổ biến, thu hút hàng triệu người tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng làm cho hàng giả, hàng nhái và sản phẩm kém chất lượng tràn lan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Hàng giả, hàng kém chất lượng làm “loạn” thị trường

Theo số liệu từ Cục Quản lý thị trường, năm 2024, hơn 1.000 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái đã được phát hiện, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, như: Thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thiết bị điện tử... Một khảo sát gần đây của Hiệp hội Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho thấy, có đến 35% người tiêu dùng đã từng mua phải hàng giả hoặc hàng kém chất lượng qua MXH. Sự thiếu kiểm soát và việc quá dễ dàng trong việc quảng cáo, bán hàng đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho các sản phẩm giả mạo.

Hàng hóa giả mạo, đặc biệt là thực phẩm và mỹ phẩm, dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng thông qua những kênh bán hàng trực tuyến như Facebook, Instagram, Zalo, TikTok. Nhà cung cấp thường đưa ra những lời quảng cáo hoa mỹ, đôi khi kèm theo các chứng nhận giả mạo để tạo lòng tin. Những sản phẩm này không chỉ gây hại sức khỏe, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, khiến họ trở nên hoài nghi, thậm chí là mất lòng tin vào các sản phẩm chính hãng.

Chị Phạm Thanh Lan (29 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) thường xuyên mua các sản phẩm cho trẻ em qua MXH. Một lần, thấy quảng cáo về loại sữa bột mới, được chào bán với mức giá rẻ hơn thị trường, chị quyết định thử. Chị không ngờ rằng loại sữa này sau khi cho con uống đã gây ra tình trạng dị ứng nghiêm trọng. Sau khi kiểm tra lại, chị phát hiện đây là sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ. “Tôi rất thất vọng, vì đã để con tôi sử dụng một sản phẩm không rõ nguồn gốc, mà tôi lại không kiểm tra kỹ càng” - chị Lan bức xúc.

Vừa qua, vụ việc liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera đã gây chú ý lớn trong dư luận Việt Nam. Sản phẩm này do Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt công bố và sản xuất tại Công ty Cổ phần Asia Life (tỉnh Đắk Lắk). Sản phẩm kẹo rau củ Kera được quảng cáo trên MXH bởi nhiều người nổi tiếng, trong đó có Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục, với lời khẳng định “một viên kẹo tương đương với một đĩa rau” về hàm lượng chất xơ. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm từ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 cho thấy, trong 100gr sản phẩm chỉ chứa 0,51gr chất xơ, tương đương khoảng 1/6 quả chuối. Kẹo Kera còn có chất Sorbitol, nhưng không công bố cho người tiêu dùng biết.

Công ty Asia Life đã sản xuất hơn 160.000 hộp kẹo rau củ Kera cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt từ tháng 12/2024 - 3/2025, trong đó khoảng 135.000 hộp đã được bán ra thị trường. Người tiêu dùng đã bày tỏ sự bức xúc và phẫn nộ trước việc bị lừa dối về chất lượng sản phẩm. Nhiều người đã yêu cầu hoàn tiền hoặc ngừng mua sản phẩm này...

Người tiêu dùng Việt liệu có dễ tính ?

Đây là câu hỏi không hề dễ trả lời, nhưng qua những câu chuyện thực tế như của chị Lan và vụ việc sản phẩm kẹo Kera, chúng ta có thể nhận thấy: Người tiêu dùng Việt vẫn còn khá dễ tính trong việc tiếp nhận thông tin quảng cáo. Trong khi đó, các chiêu trò quảng cáo lừa đảo, làm giả sản phẩm ngày càng tinh vi và khó nhận diện. Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, song việc quản lý các sản phẩm trên MXH vẫn gặp không ít khó khăn, do tính chất vô hình và dễ thay đổi của các gian hàng online.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức và cảnh giác với các sản phẩm có dấu hiệu không rõ ràng. Thứ nhất, hãy luôn kiểm tra thông tin về nhà cung cấp và các đánh giá từ những khách hàng đã mua sản phẩm. Thứ hai, ưu tiên mua sắm tại các sàn thương mại điện tử lớn, có chính sách bảo vệ người tiêu dùng rõ ràng. Thứ ba, đừng bao giờ bị mê hoặc bởi những lời quảng cáo "hấp dẫn quá mức", vì rất có thể đó là chiêu trò của những kẻ lừa đảo.

Việc hàng giả, sản phẩm kém chất lượng tràn lan trên MXH là một vấn đề không thể bỏ qua. Người tiêu dùng Việt, mặc dù có sự thay đổi trong nhận thức, vẫn cần một quá trình dài để trở thành những người tiêu dùng thông minh. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

NGUYỄN TRÍ