Bác Hồ với nhà thơ, nhà báo liệt sĩ Thôi Hữu, Ủy viên Ban Biên tập Báo Sự Thật (tiền thân của Báo Nhân Dân). Ảnh: TRẦN VĂN LƯU
Người trai nước Việt lần đầu xa nước, thực hiện hành trình đằng đẵng 30 năm cho đến ngày trở về, không chỉ là câu chuyện thân phận cá nhân, mà là thân phận cả dân tộc, gắn với sự trưởng thành về nhận thức và tư tưởng, từ nô lệ đã "rũ bùn đứng dậy sáng lòa", trở thành chiến sĩ cách mạng kiệt xuất, nhà báo cách mạng kiệt xuất. Hành trình này cho thấy rõ hơn một nhân cách và tài năng, những bước đi tất yếu của cách mạng Việt Nam, cũng như tiền đề và thành tựu có được của 96 năm phục vụ mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho đến hôm nay của báo chí cách mạng Việt Nam.
Năm 1919, tám năm sau, kể từ ngày chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành bước lên tàu Amiral Latouche Tréville và bôn ba nhiều châu lục, bút danh Nguyễn Ái Quốc lần đầu xuất hiện trên một số báo chí Pháp bấy giờ như L’Humanité (Nhân đạo), Le Populaire (Dân chúng). Hai trong số những bài báo đầu tiên của Người đăng trên báo L’Humanité là Yêu sách của nhân dân An Nam (số ra ngày 18-6-1919) và Vấn đề dân bản xứ (số ra ngày 2-8-1919)…
"Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!". Chi tiết thú vị "rất báo chí" ở đây là chuyện Nguyễn Ái Quốc đã vui mừng phát khóc khi gặp Bản Luận cương của V.I.Lê-nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa qua kênh báo L’Humanité, tháng 7-1920.
Những năm 1921-1925, Người mở rộng địa bàn hoạt động cách mạng và báo chí, cộng tác với tạp chí La Revue Communiste, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Le Paria tại Pháp, liên tục có bài đăng trên nhiều báo và tạp chí như báo Pravda của Nga, tạp chí Inprekor của Quốc tế Cộng sản…
Chuyện làm báo 40 năm trước vừa độc đáo, tài tình, vừa linh hoạt và sáng tạo trên đất Pháp từng được Người chia sẻ tại diễn đàn Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959:
"Có một thời gian mình làm cả chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo của tờ báo Le Paria. Các đồng chí người thuộc địa Á - Phi viết bài và quyên tiền, còn bao nhiêu công việc mình đều bao hết. Cách bán báo: bán cho anh em công nhân Việt Nam, họ không biết chữ Pháp, nhưng họ vẫn thích mua vì họ biết báo này chửi Tây, mua rồi họ nhờ anh em công nhân Pháp đọc cho họ nghe. Một cách nữa là: ở Pari có những chỗ bán báo lấy hoa hồng. Vì là đồng chí với nhau cả, các anh chị ấy bán hộ cho mình mà không lấy hoa hồng và họ bán được khá nhiều. Các số báo Paria vừa ra đều được Bộ Thuộc địa Pháp mua gần hết. Còn báo gửi đi các thuộc địa thì mấy chuyến đều bị tịch thu và người đưa báo thì bị bắt bỏ tù. Về sau, nhờ anh em thủy thủ Pháp bí mật chuyển hộ, thì không xảy ra việc gì. Nhưng rồi bọn thực dân cũng dò ra. Sau cùng, phải dùng đồng hồ có chuông mà gửi. Cách gửi như vậy đắt lắm, nhưng báo đều đến được các thuộc địa".
Nhà báo Hồng Hà lúc sinh thời đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm, viết sách, viết kịch bản phim về thời thanh niên của Bác. Ông từng công bố một tư liệu "quý" về tờ báo Việt Nam Hồn: "…Phận mình đã vậy, vận nước thế nào, anh chị đồng bào, có hay chăng nhé. Cũng vì nghĩ thế, tôi muốn làm ra, một báo tiếng ta, cho đồng bào đọc...". Một lời mời mua báo hết sức mộc mạc, gần gũi hồn tiếng Việt và tình yêu nước chứa chan trong từng câu chữ - mang đậm "bản sắc Nguyễn Ái Quốc". Báo Việt Nam Hồn mới chỉ trong thời gian thai nghén, chưa kịp xuất bản vì thời điểm đó, năm 1923, Nguyễn Ái Quốc được mời sang Nga dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế nông dân, tiếp đó dự Đại hội Quốc tế Cộng sản giữa năm 1924.
Cuối năm 1924, Người lên đường sang Trung Quốc trên cương vị phái viên của Quốc tế Cộng sản trong phái bộ của cố vấn Brodin bên cạnh Chính phủ Tôn Dật Tiên. Ngày 21-6-1925, báo Thanh Niên do Người sáng lập và trực tiếp chỉ đạo xuất bản tại Quảng Châu, khai mở dòng báo chí chủ lưu của sự nghiệp đấu tranh cách mạng nước nhà.
Mùa xuân năm 1941, Người về nước và chọn Pác Bó (Cao Bằng), với "cháo bẹ, rau măng", chỉ đạo phong trào cách mạng, xuất bản tờ báo đầu tiên của Mặt trận Việt Minh. Những số báo Việt Nam Độc lập ra đời ngày ấy giữa rừng sâu địa đầu Tổ quốc đã sờn mòn theo thời gian cùng chiếc máy in thô sơ và bản ghi âm mà đến hôm nay vẫn vang lên ấm áp giọng Người:
"Năm 1941, bí mật về nước. Theo lời dạy của Lênin là: tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo. Cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay và phải làm rất bí mật vì luôn luôn có mật thám của Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò. Điều kiện sinh hoạt thì bữa đói, bữa no.
Làm báo thì phải có đá in… In thì phải viết chữ trái lên đá, thế là có một đồng chí phải hì hục học tập viết chữ trái. Mấy số báo đầu, ba bốn anh em cùng làm, nhưng in cứ toe toét, chỉ in được ít và xấu xí. Nhưng về sau cứ tiến bộ dần, mỗi lần in được gần 300 số. Phải đặt bia đá "nhà in" ở ba chỗ khác nhau. Khi động chỗ này thì chạy đến chỗ khác mà in và báo vẫn ra đúng kỳ. Địch chịu không làm gì được...
Còn việc phát hành: Để báo ở các hang đá bí mật. Các đồng chí phụ trách cơ sở Việt Minh cứ đến đó mà lấy. Báo bán hẳn hoi, chứ không biếu…".
Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Ðộc lập; giọng đọc sang sảng của Người như một bằng chứng lịch sử hùng hồn của đất nước và báo chí nước nhà sau đó được Đài Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) phát ra thế giới… Hiện, chiếc đĩa than ghi âm giọng Người còn được lưu giữ.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với các nhà báo nước ngoài và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo chí nước ngoài là phần tư liệu chiếm một phần đáng kể trong bộ sưu tập của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, được dày công sưu tầm từ nhiều nguồn: gia đình nhà báo Wilfred Burchett, kỹ sư Bùi Thanh Tùng (Hội Người Việt Nam tại Pháp), nhà văn Lady Borton…, góp phần làm rõ hơn "ẩn số Hồ Chí Minh" trên báo chí nước ngoài. Điển hình như tạp chí Time đã bình chọn Bác là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 và có những lý giải, đánh giá: "Hồ Chí Minh là ai?" - Ho Chi Minh, Who are You? (số ngày 9-9-1946), dành những trang bìa đăng chân dung Người, nhiều trang nội dung về thân thế và sự nghiệp của Người (số ra ngày 22-11-1954)…
Có thể nói, hệ thống hiện vật, tư liệu "Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh" giữ vai trò quan trọng, là di sản quý giúp chúng ta tìm hiểu, khai thác, học hỏi một tài năng, nhân cách báo chí, một bậc thầy của báo chí cách mạng, nhằm phục vụ hữu ích, thiết thực công tác giáo dục, tuyên truyền tấm gương làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo TRẦN KIM HOA - VĂN BA (Nhân Dân)