Nhân rộng mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực

26/09/2024 - 07:37

 - Trong xã hội, phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn là nhóm yếu thế có thể trở thành nạn nhân bị xâm hại, bị mua bán, bị bạo lực bất kỳ nơi nào, lúc nào. Trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình thiết thực đã được duy trì, nhân rộng nhằm xóa bỏ bạo lực trong gia đình, xây dựng môi trường bình đẳng nơi làm việc, nơi công cộng…

Trong cuộc sống thời hiện đại, khuất sau sự phát triển của cuộc sống văn minh, bình đẳng và hạnh phúc của nhiều mái ấm gia đình, vẫn còn những tiếng khóc, sự ấm ức, nỗi đau nhức nhối của phụ nữ, trẻ em trong những gia đình bất hạnh… với nhiều lý do. Thực tế, không ít phụ nữ bị hành hạ do sống phụ thuộc chủ yếu vào chồng. Nền kinh tế thị trường phát triển, vai trò của phụ nữ có nhiều thay đổi, một số chị em thành đạt hơn chồng, nhưng họ vẫn bị chồng ngược đãi.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Bảo Trân thông tin, năm 2023, qua công tác thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ bạo lực gia đình (1 vụ bạo lực tinh thần, 8 vụ bạo lực thân thể). Ngành chức năng đã có biện pháp xử lý 3 vụ người gây bạo lực được góp ý tại cộng đồng dân cư, 5 vụ áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương, 1 vụ bị xử phạt vi phạm hành chính; hỗ trợ 8 nạn nhân bị bạo lực gia đình được tư vấn về tâm lý, tinh thần, pháp luật; 1 nạn nhân được chăm sóc hỗ trợ sau bạo lực.

Sở LĐ-TB&XH thường xuyên tổ chức các hội thảo, tập huấn công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm cung cấp, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật liên quan, định hướng các hoạt động trọng tâm của năm và trang bị kỹ năng cần thiết cho các cán bộ phụ trách, tham mưu về lĩnh vực này của các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương. Ngoài ra, trong quá trình tập huấn, đơn vị còn trao đổi, lắng nghe những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn, trở ngại trong thực hiện nhiệm vụ, cũng như tích cực tham gia chia sẻ kinh nghiệm ở cơ sở để các địa phương học hỏi lẫn nhau.

Chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ tại doanh nghiệp

Các hoạt động được duy trì hàng năm và chú trọng đổi mới cách thức tổ chức nhằm tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và công tác bình đẳng giới; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương. Qua đó, thực hiện phấn đấu đạt các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về công tác bình đẳng giới năm 2024 và đến năm 2030.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Tăng Văn Nê cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình, như: Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực đã thu hút sự tham gia tích cực của nam giới, thành lập và ra mắt các Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Ngoài ra, còn có mô hình tư vấn, hỗ trợ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới thực hiện thông qua “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” đang thực hiện thí điểm tại các xã: Tân Hòa, Phú Bình, Phú Lâm, Hiệp Xương, Bình Thạnh Đông, Phú Thạnh, Phú Hưng, Phú Thọ, Tân Trung. Hiện, mỗi xã có một “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh”, địa điểm chủ yếu là Trạm Y tế xã, nhà của Tổ trưởng Tổ y tế xã, có từ 3 - 10 thành viên.

Năm 2024, huyện Phú Tân là 1 trong 6 cơ quan, đơn vị được Ban Chỉ đạo Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới tỉnh chọn kiểm tra hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Các đơn vị còn lại, gồm: Sở Thông tin và Truyền thông, Liên đoàn Lao động tỉnh; Tỉnh đoàn; Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang. Qua công tác kiểm tra, hầu hết các đơn vị, cơ quan đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó có nhiều mô hình được khuyến khích duy trì, nhân rộng, đặc biệt chú trọng chăm lo, hỗ trợ kịp thời về mặt thể chất, tinh thần đối với phụ nữ và trẻ em yếu thế.

Đầu năm đến nay, trên toàn tỉnh, công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện theo Kế hoạch 253/KH-UBND, ngày 18/5/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, duy trì các mô hình “Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” tại 3 huyện Chợ Mới, An Phú, Tri Tôn và TX. Tịnh Biên. Nhân rộng thêm 5 “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” ở các xã nông thôn mới theo lộ trình tại 2huyện Châu Thành, Châu Phú và TX. Tân Châu, nâng tổng số có 81 mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” trên toàn tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch duy trì và nhân rộng hoạt động mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương với 703 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 690 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 430 địa chỉ tin cậy cộng đồng. Tỉnh không có nạn nhân bị mua bán trở về; duy trì 70% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới…

Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và hướng tới mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan cung cấp dịch vụ và tất cả những người bị bạo lực có nhu cầu đều được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau

 

MỸ HẠNH