Nhật ký ngày xanh

01/08/2023 - 04:24

 - Lưu dấu những ngày tươi đẹp, năm tháng thanh xuân với bao hoài bão được dấn thân, cống hiến và trưởng thành, những sinh viên Trường Đại học An Giang đã hăng hái vác ba lô theo chuyến xe tình nguyện đến với vùng quê, vùng biên giới còn nhiều khó khăn trong tỉnh.

Gói bao cảm xúc…

"Trong chặng đường đã qua, chúng tôi đều muốn lưu lại khoảnh khắc bên nhau. Đó là nụ cười hiền hòa, tay chân tháo vát của các bạn gái bộ phận hậu cần, là gương mặt đầy mồ hôi của các bạn trai sau buổi trồng cây, sửa chữa đường giao thông nông thôn, là cô gái trẻ vừa biết nhảy dân vũ lại tập tành hướng dẫn ngay cho các bé thiếu nhi, là nét mặt nghiêm khắc của cô sinh viên ngoại ngữ tập làm cô giáo. Màu áo xanh thẫm, chiếc khăn rằn, chiếc nón tai bèo và các hoạt động ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt cùng nhau xuyên suốt 18 ngày trong chiến dịch, chắc chắn là những kỷ niệm khó phai trong đời sinh viên. Kỷ niệm ấy được ghi lại bằng bức ảnh sinh động, chúng tôi đã sắp xếp kỹ càng theo dấu thời gian". Đó là cảm xúc của Phan Thị Như Ý (sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Trung đội trưởng Trung đội An Phú, tham gia chiến dịch Mùa hè xanh tại TX. Tịnh Biên).

Giúp học sinh tiểu học ôn tập kiến thức

Như Ý chia sẻ thêm: "Thật trân quý biết bao tấm lòng của chính quyền địa phương, anh chị cán bộ Đoàn phường An Phú đã bố trí chỗ ở thuận tiện cho chúng tôi. Nơi đây, người dân rất thân thiện, dẫu nhà còn nhiều khó khăn nhưng có ít rau, ít trứng cũng dành tặng. Đó là động lực để chúng tôi dấn thân, không ngại ngần đi đến các phum, sóc xa xôi như Ô Tà Bang để tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ: Phổ cập tiếng Anh, tiếng Việt, dạy Toán, dạy nhảy dân vũ, thi Trạng Nguyên nhỏ tuổi…".

Với bạn Lê Trần Huỳnh Như (sinh viên ngành Sư phạm tiếng Anh, Trung đội trưởng Trung đội Tân Lập), những ngày hè ăn, nghỉ, sinh hoạt tại Trường Tiểu học Tân Lập (xã Tân Lập, TX. Tịnh Biên) thật sự hạnh phúc. Bởi bạn đã có dịp hòa mình với thiên nhiên, tận hưởng làn gió mát từ dòng sông, cánh đồng vàng ươm ngày mùa. Lần đầu tiên đến vùng quê, bạn còn nhiều bỡ ngỡ, đi chợ lúc đã tan tầm. Cán bộ địa phương hay tin các bạn không có gì nấu nướng, phải ăn tạm mì gói, đã nhanh chóng vận động hoặc tìm mua thịt cá, rau củ hỗ trợ. Điều đó làm các bạn sinh viên rất ấm lòng và cố gắng vượt khó để hoàn thành công trình, phần việc đăng ký tại địa phương.

"Trong khả năng bản thân, tụi mình có gì giúp nấy, khi thấy trẻ rủ nhau đi tắm sông liền hỏi các em biết bơi chưa, chưa biết thì rủ các em đến hồ bơi mi-ni để tập. Khi thấy các em chưa tuân thủ quy định giao thông liền nhắc nhở, khi thấy các em không có gì chơi thì tập hợp lại, bày trò chơi dân gian, kể chuyện sách, hướng dẫn đọc sách. Đơn giản vậy mà các bạn nhỏ rất thích thú, thường xuyên đến trường tìm anh chị chơi chung. Có hôm trời mưa, các em vẫn đến chơi, tham gia lớp học phổ cập. Bất chợt có bạn còn hỏi: “Hết hè rồi, anh chị về Long Xuyên phải không? Hè tới, các em có được gặp anh chị nữa không?”. Câu hỏi đầy yêu thương làm chúng tôi thấy bâng khuâng lắm" - Huỳnh Như chia sẻ.

Động lực cho nhiều việc ý nghĩa

Trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi (từ ngày 15/7 - 6/8), 180 sinh viên Trường Đại học An Giang được phân bổ về TX. Tịnh Biên thực hiện hàng loạt công trình, phần việc ý nghĩa giúp địa phương. Đoàn trường, Hội Sinh viên trường bố trí 11 đội hình thường trực tại xã, phường và 2 đội hình chuyên (dạy tiếng Anh cho người dân làm du lịch và tuyên truyền phổ biến pháp luật). Có mặt tại xã Vĩnh Trung, chúng tôi thấy được không khí hân hoan của các bạn sinh viên, chiến sĩ công an cùng phối hợp đi đến từng phum, sóc, gõ cửa từng nhà để hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Trần Thị Ngọc Thảo (sinh viên ngành Sư phạm tiếng Anh) chia sẻ: "So với những địa bàn khác, đa số người dân nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số, khó tiếp nhận việc cài ứng dụng. Chính vì vậy, chúng tôi càng nỗ lực vượt khó, giúp từng người dân cài đặt, góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số trong cộng đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416 (Quân khu 9) cùng phát quang, trồng 6.500 cây xanh, vệ sinh môi trường. Nhiều bà con thấy việc làm ý nghĩa, đã tin yêu hơn và hợp tác trong một số hoạt động".

Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học An Giang Trần Trung Quốc cho biết: "Với sự tổ chức chặt chẽ và xây dựng công trình, phần việc phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, các đội hình đã phối hợp địa phương chăm lo thiếu nhi: Ôn tập hè, dạy bơi, tổ chức hội thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi”, “Học làm người có ích”, ngày hội thiếu nhi, ngày hội đọc sách và kể chuyện sách, xây dựng sân chơi thiếu nhi, tuyên truyền người dân phòng chống dịch bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết. Đồng thời, hỗ trợ địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị, thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách, vệ sinh nghĩa trang, thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, huyện...”.

Qua các hoạt động, sinh viên Trường Đại học An Giang phát huy tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân địa phương, mang lại giá trị thiết thực, góp phần xây dựng đời sống văn hóa xã hội ngày càng tốt đẹp tại cộng đồng.

NGỌC GIANG