Nhiều giải pháp nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản

16/08/2022 - 08:05

Thời gian qua, các bộ, ngành và 28 địa phương có biển, trong đó có các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác IUU. (Ảnh QUỐC TRINH)

Tuy nhiên, vi phạm của tàu cá vẫn còn xảy ra trong bối cảnh những khó khăn, thách thức mới của thời kỳ hậu Covid-19. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc gỡ “thẻ vàng” của EC. Việc này không chỉ bảo đảm lợi ích, sinh kế lâu dài của ngư dân mà còn bảo vệ uy tín ngành thủy sản Việt Nam và hình ảnh của nước ta trong quan hệ quốc tế.

Khi ngư dân đồng tình

Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước với hơn 9.800 tàu cá, trong đó có 3.895 tàu khai thác xa bờ. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm của tỉnh đạt gần 600.000 tấn, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác hải sản cả nước và hơn 40% sản lượng khai thác của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phân loại cá tại Cảng Trần Đề, Sóc Trăng. (Ảnh THANH PHONG)

Để thực hiện có hiệu quả việc chống khai thác IUU, chính quyền tỉnh Kiên Giang đã và đang tập trung chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện quy định gắn thiết bị giám sát hành trình cho các tàu đánh bắt xa bờ. Đến nay, tỉnh Kiên Giang có 3.664/3.666 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã gắn thiết bị này, đạt gần 100%.

Từ năm 2018, tỉnh Cà Mau bắt đầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, xem đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để giám sát, quản lý tàu cá đánh bắt trên biển. Đến tháng 10/2021, tỉnh đã có 1.498/1.511 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt hơn 99,14%. Trong đó, số tàu cá đã lắp đặt có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên là 69/69 chiếc; tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m là 1.429/1.442 chiếc (chiếm 99,1%). Ngoài ra, bốn tàu cá chiều dài dưới 15m cũng tự nguyện lắp đặt thiết bị này.

Tỉnh Sóc Trăng hiện có 998 chiếc tàu cá đã đăng ký với tổng công suất 201.650 CV, tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi là 337 chiếc và 100% số tàu đã gắn thiết bị giám sát hành trình. Nhờ vậy, nhiều năm liền Sóc Trăng không có tàu cá vi phạm IUU. Về thực hiện quy định đánh dấu tàu cá, bảo đảm 100% tàu cá khi đăng kiểm được đánh dấu theo quy định. Riêng hoạt động kiểm tra khai thác thủy sản bất hợp pháp tại cảng Trần Đề được các thành viên trong tổ công tác thực hiện 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần, hầu hết tàu xuất và cập bến đều đủ điều kiện theo quy định.

Kể về lợi ích của việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ông Trần Văn Khởi sở hữu hơn 20 chiếc tàu đánh cá tại Sóc Trăng cho biết: “Việc đánh bắt trên biển là do thuyền trưởng quyết định tọa độ bỏ giàn lưới, thời gian đánh bắt, nhưng tôi ở nhà vẫn biết được tàu đang ở đâu, đánh bắt được bao nhiêu, trong ngày làm lời lỗ ra sao... nên tôi rất yên tâm. Nhờ có định vị phát hiện, tôi vẫn có thể điều động tàu phải quay trở vào đánh bắt ở khu vực theo quy định. Thấy hiệu quả, cho nên các tàu cá của tôi đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình”.

Ông Đoàn Quốc Lượm, chủ đoàn tàu cá ở Cà Mau chia sẻ: “Hiện nay, khách hàng mua hải sản rất chú trọng về nguồn gốc xuất xứ, nhất là khi sản phẩm được đưa vào siêu thị, cửa hàng tiện ích hoặc xuất khẩu. Trước xu hướng tiêu dùng thông minh như vậy, nếu chúng tôi không làm theo thì sản phẩm không ai mua hoặc bán được nhưng với giá rất thấp. Trong tình thế đó, bên thiệt thòi nhất chính là ngư dân”.

Tăng tốc chống khai thác IUU

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành khai thác thủy, hải sản của nước ta bảo đảm việc làm, thu nhập cho hơn 600.000 ngư dân trực tiếp tham gia khai thác trên biển và gần 4 triệu lao động làm các nghề dịch vụ thủy sản ven biển. Tàu cá khai thác trên biển còn góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng cố tình đưa tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong sáu tháng đầu năm 2022, các sở, ngành của tỉnh đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 60 trường hợp, nộp ngân sách nhà nước gần 5 tỷ đồng. Qua theo dõi hệ thống giám sát tàu cá, các lực lượng chức năng nhắc nhở 169 tàu có nguy cơ vi phạm; thực hiện 9.722 cuộc gọi đối với 1.598 tàu mất kết nối trên biển, theo đó đã có 1.452 tàu bật lại thiết bị VMS kết nối lại với hệ thống giám sát; thực hiện 1.975 cuộc gọi đối với 803 tàu cá mất kết nối trong bờ.

Tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời kiểm tra nghiêm phương tiện tàu cá ra khơi. Chỉ trong tháng 7 năm 2022 các ngành chức năng đã lồng ghép tuyên truyền trực tiếp 288 lượt cho chủ tàu và thuyền trưởng khi đến làm giấy ra, vào cảng về IUU. Lũy kế từ đầu năm 2022 đến nay đã lồng ghép tuyên truyền trực tiếp cho 1.520 lượt chủ tàu, thuyền trưởng và 4 phóng sự, cấp phát hơn 600 tài liệu tuyên truyền.

Trong tháng 7/2022, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 283 lượt tàu cập, rời cảng cho tàu cá trong và ngoài tỉnh, hầu hết tàu cá đủ điều kiện xuất bến và cập bến. Lũy kế đến nay đã kiểm 1.715 lượt tàu cá cập, rời cảng. Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Sóc Trăng không có phương tiện tàu cá vi phạm quy định IUU.

Các đơn vị, lực lượng chức năng của Trung ương đóng trên địa bàn gồm: Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ đội Biên phòng, Hải đoàn 28, Chi cục Kiểm ngư vùng 5… tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát ở vùng biển giáp ranh, vùng chồng lấn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Từ nay đến cuối năm 2022, các địa phương bố trí thêm phương tiện tuần tra dọc biên giới biển nhằm ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC; sơ kết các giải pháp quản lý ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài, Ban Chỉ đạo thực hiện chống vi phạm IUU các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đề xuất Chính phủ bố trí thêm vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thủy sản, cảng cá, hạ tầng trục giao thông kết nối thông suốt, đồng bộ với hạ tầng thủy sản.

Các tỉnh mong muốn Quốc hội xem xét bổ sung về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh. Trung ương và các địa phương, hội nghề cá, chủ tàu, ngư phủ phải hình thành chuỗi đồng hành cùng nhận thức bảo vệ quyền lợi chung của quốc gia.

Theo Nhân Dân