Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái

12/10/2022 - 07:16

 - Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10) năm nay có chủ đề: “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, nhằm mục đích trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới. Việc lấy ngày 11/10 hàng năm là Ngày Quốc tế trẻ em gái, thể hiện sự quan tâm của thế giới đối với trẻ em gái. Trẻ em gái xứng đáng đón nhận sự giáo dục, bảo vệ tốt hơn và một tương lai tươi đẹp hơn.

Sinh hoạt chuyên đề cung cấp thông tin về mất cân bằng giới tính khi sinh

Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số trẻ em trai được sinh ra trên 100 trẻ em gái trong một thời kỳ nhất định, là một chỉ số nhân khẩu học, phản ánh cơ cấu giới tính của một quần thể dân số. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức sinh học bình thường là từ 104-106 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Ở Việt Nam, theo số liệu của tổng điều tra dân số 2019, tỷ số này đã vượt mức sinh học bình thường và đang ở ngưỡng đáng báo động là 111,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái.

Tại An Giang, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh là 113,7 trẻ em trai/100 trẻ em gái, cao hơn 3,2 điểm phần trăm so với bình quân cả nước (110,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái). Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2019 thì tỷ số này ở mức 113,2 trẻ em trai/100 trẻ em gái, cao hơn 1,7 điểm phần trăm so với bình quân cả nước (111,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái). Tỷ số này được giảm xuống còn 111,9 trẻ em trai/100 trẻ em gái vào năm 2020, giảm 0,2 điểm phần trăm so với bình quân cả nước (112,1 trẻ em trai/100 trẻ em gái); trung bình mỗi năm giảm 0,13 điểm phần trăm. Năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh của An Giang giảm còn 108,63 trẻ em trai/100 trẻ em gái.

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang. Mục tiêu nhằm khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; phấn đấu giảm dần hàng năm và đạt mức cân bằng tự nhiên, góp phần bảo đảm cân bằng giới tính hợp lý, thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Cụ thể, An Giang đặt mục tiêu giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh hàng năm là 0,6 điểm phần trăm, để tỷ số này đạt ở mức 109 trẻ em trai/100 trẻ em gái vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10,      Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh phối hợp Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ một số địa phương tổ chức điểm truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái, truyền thông về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái tại địa bàn; cấp phát tờ rơi tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh…

Phổ biến, tuyên truyền các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước, như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái. Tuyên truyền về các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Cùng với đó, triển khai các loại hình cung cấp thông tin, mô hình tư vấn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới... ưu tiên địa phương vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng internet, mạng xã hội và lồng ghép với các hoạt động truyền thông khác tại địa phương.

Để hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái với chủ đề “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh đề nghị sự quan tâm, hỗ trợ, vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi. Qua đó, triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2020-2025, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2020-2025.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái, các sở, ban, ngành, đoàn thể treo băng-rôn, biểu ngữ, khẩu hiệu tuyên truyền với các thông điệp: “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”; “Không cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”; “Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”; “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”...

HẠNH CHÂU