Nhiều mới lạ, ít được biết về danh tác Lục Vân Tiên

30/11/2023 - 21:48

 - Là một trong 2 danh tác “quốc bảo” của dân tộc cùng với Truyện Kiều, truyện thơ Lục Văn Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được phần lớn người miền Nam biết và thuộc lòng, vận dụng trong cuộc sống. Tuy nhiên, có một số điều mới lạ của tác phẩm ít được biết đến.

Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1/7/1882 trong một gia đình nhà nho nghèo ở Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Năm 1841, ông thi đỗ tú tài ở Gia Định, được người nhà họ Võ gả con gái. 4 năm sau, trong khi chờ kỳ thi hương ở Huế, nghe tin mẹ mất, ông về nhà chịu tang. Do quá thương khóc mẹ, ông bị bệnh nặng, được thầy thuốc cứu cửa tử nhưng đôi mắt không chữa được.

Sau ngày mãn tang mẹ, không chịu sống chung với giặc, Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ (Cần Giuộc - Long An) sáng tác tự truyện “Lục Vân Tiên”, với nhân vật Lục Vân Tiên - như chính cuộc đời ông. Ngày 16/12/1861, quân Pháp tập kích đồn Tây Dương (gần nơi ông ở), người bạn đồng khoa Đỗ Trình Thoại và 27 nghĩa quân hy sinh, làm lòng ông đau xót, cảm kích trước tinh thần chống giặc của họ. Đau buồn, uất ức, ông viết “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” - một áng văn chương bi tráng nhưng hào hùng, đã kích động mạnh mẽ tinh thần chống giặc xâm lăng thời đó.

Chân dung nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu

Sau này, ông về Ba Tri (Bến Tre) tiếp tục sáng tác, chữa bệnh cứu người và biệt danh “Cụ đồ Chiểu” ra đời, được Nhân dân yêu thương, quý trọng. Ông thường xuyên giao lưu với các chí sĩ, như: Phan Văn Trị, Hồ Huân Nghiệp, Bùi Hữu Nghĩa, liên hệ mật thiết với Đốc binh Là (người chỉ huy anh dũng trong trận Cần Giuộc). Kể cả Trương Định vẫn thường đến hỏi ý kiến và coi ông như người tham mưu cho mình.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sáng tác Lục Vân Tiên trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Ông bị mù khi 27 tuổi, phải vừa dạy học vừa làm thuốc để kiếm sống và sáng tác. Tác giả không thể chép lại tác phẩm của mình mà chỉ đọc cho học trò, bạn bè, người thân nghe, bà con truyền tụng nhau và một số người ưa chuộng đã chép lại. Mỗi người chép một đoạn theo sở thích và không tránh khỏi sự thêm bớt, chỉnh sửa của mình.

Truyện thơ Lục Vân Tiên được truyền miệng gần như văn học dân gian. Bản chữ Nôm đầu tiên do Duy Minh Thị thu thập, đính chính và khắc in tại Nam Hải (Quảng Đông, Trung Quốc) khoảng năm 1864, 1865 in lại ở Chợ Lớn. Bản phiên âm chữ quốc ngữ đầu tiên của Gustave Janneau in tại Sài Gòn năm 1867. Năm 1883, Abel des Michels cho xuất bản Lục Vân Tiên ca diễn bằng 3 thứ tiếng (chữ Nôm, chữ quốc ngữ và tiếng Pháp).

Năm 1889 (một năm sau khi Nguyễn Đình Chiểu mất), học giả Trương Vĩnh Ký thu thập, tham khảo các bản dịch và chỉnh lý công phu, cho xuất bản Lục Vân Tiên truyện tại Sài Gòn, được coi là văn bản chữ quốc ngữ chính thức. Dù đã qua các bản dịch nhiều ngôn ngữ và phổ biến nhiều quốc gia, nhưng đến nay, có đến 13 bản dịch (tăng 4 bản) đang sử dụng. Qua các bản in từ năm 1865 - 1883, câu thơ của tác phẩm dao động từ 2.174 - 2.050 câu.

 Lục Vân Tiên là truyện thơ đầu tiên của Việt Nam được người Pháp thưởng thức và dịch ra tiếng Pháp. Tại Pháp, năm 1864, tác giả Gabriel Aubaret viết bài trên báo ca ngợi tác phẩm với “sự yêu thích tính cách diễn đạt thực tế, tôn trọng về trí óc và tình cảm nồng nàn của một dân tộc....".

Đáng tiếc, bản kinh/truyện tranh Lục Vân Tiên đã im lìm 112 năm ở Thư viện thủ đô Paris (Pháp). Mãi đến năm 2016, với sự hỗ trợ của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO), Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh xuất bản lần đầu tiên bộ sách kèm tranh minh họa về truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu với tên Lục Vân Tiên cổ tích truyện. Bộ sách này 2 tập, với 3 ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh).

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam (phải) trao Nghị quyết vinh danh của UNESCO cho Việt Nam

Cụ thể, tập 1 là những trang sách của truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên kèm theo tranh minh họa nhiều màu sắc. Tập này tiếp cận được toàn tập bản thảo do ông Gibert tổ chức. Trong tập 2, được hiểu rõ hơn về quá trình tìm ra bản thảo bằng tranh truyện thơ Lục Vân Tiên, thông qua bài bình, lời chú giải, giải thích những câu thơ trong bản thảo truyện Lục Vân Tiên năm xưa.

Đây là bộ sách có thân phận đặc biệt, thể hiện sự kết hợp trong ý tưởng của 4 người, gồm: Một nhà nho - nhà thơ Việt Nam Nguyễn Đình Chiểu; một giảng viên, biên dịch viên người Pháp Abel des Michels; một sĩ quan hải quân uyên bác Eugene Gibert và một nghệ sĩ triều đình Huế là Lê Đức Trạch.

Truyện thơ Lục Vân Tiên đã biến thành các tác phẩm văn hóa - văn nghệ, nhất là cải lương “định danh” cho người trung hiếu, nghĩa khí - gian tà, bội bạc. Là tác phẩm đầu tay của nhà thơ mù, đã trên 70 lần xuất bản, không chỉ được người dân yêu thích, giữ gìn mà còn được thế giới vinh danh. Đến nay, Lục Vân Tiên là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới, chỉ sau Truyện Kiều của Nguyễn Du và Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 1/7/2022, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trao Nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân văn hóa thế giới, nhân 200 năm ngày sinh của ông (1/7/1882 - 1/7/2022)

 

 NGUYỄN RẠNG