Nhiều trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội

15/09/2022 - 04:10

 - Trên mạng xã hội, xuất hiện ngày càng nhiều trào lưu, xu hướng (hot trend) được đông đảo người dùng hưởng ứng và làm theo. Nhiều nội dung tiêu cực, phản cảm của trào lưu có thể gây tác động xấu đến đời sống xã hội.

Mạng internet phát triển, điện thoại thông minh không còn xa lạ. Rất nhiều trang mạng xã hội đã và đang kết nối mạnh mẽ thông tin của mọi người với nhau, đặc biệt là qua video clip. Bên cạnh video được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh, âm thanh và nội dung, vẫn còn xuất hiện video có nội dung, câu từ, hành động, hoạt động, cử chỉ thiếu văn hóa, lệch chuẩn mực đạo đức, thậm chí gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Đó là hướng dẫn làm những việc kỳ quái: Thắt cổ mà vẫn thở, nuốt đồ vật, uống mật ong đông lạnh, bẻ xương để chữa bệnh, ăn sâu bọ sống, phá hoại đồ đạc, thử thách ăn sống động vật, uống nước nhà vệ sinh, khoe điểm nhạy cảm trên cơ thể, nhảy điệu khiêu gợi… để câu “like”, câu “view”. Đặc biệt, các video này thu hút nhiều lượt tương tác, nhiều người cổ súy, coi là “hot trend”, chia sẻ với tốc độ chóng mặt.

Trào lưu dọa ma trẻ em trên mạng xã hội

Không ít trong số đó biến tướng thành trò đùa vô ý thức, thiếu văn hóa, phản cảm, đáng lên án. Chẳng hạn như video “Thử thách 24 giờ làm chó”, một bạn trẻ chui vào chuồng chó, thực hiện hành động, cách sống của một chú chó trong 24 giờ, sau đó đăng tải lên mạng xã hội.

Ngoài ra, trào lưu “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội gần đây là “Bẻ xương khớp trị đau”. Đủ tư thế nắn chỉnh xương khớp được các “bác sĩ online” thực hiện, tạo ra âm thanh “rắc rắc”. Không ít bạn trẻ thấy kích thích và hưởng ứng, xem nó như một thử thách thú vị. Chính điều này mà ngày càng nhiều video bẻ xương khớp xuất hiện với mục đích tham gia thử thách, biểu diễn, câu “view”, không cần biết công dụng và hậu quả ra sao.

Gần đây, xuất hiện trào lưu dán băng keo vào miệng để ngủ. Nhiều người cho rằng hành động này giúp họ ngủ ngon, ngăn chặn khô họng, tránh được chứng ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, giới chuyên gia lên tiếng bác bỏ nội dung này. Nguy hiểm hơn là những thử thách ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, trẻ em rất dễ bắt chước. Nếu người lớn không giám sát kỹ, có thể gây ảnh hưởng xấu cho trẻ.

Điển hình như trào lưu “Đóng cửa dọa ma trẻ em”. Sau khi mở hiệu ứng video hình ảnh bóng ma có tiếng cười rùng rợn trên ứng dụng điện thoại, người lớn nhanh chóng chạy ra khỏi phòng, đóng cửa, tắt đèn nhốt trẻ trong phòng một mình, khiến các em sợ hãi khóc thét. Tưởng chừng như trò đùa vô hại, nhưng trào lưu này rất dễ ảnh hưởng tâm lý của trẻ sau này.

Chị Lê Thị Bích H. (ngụ TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, trào lưu độc hại trên mạng xã hội làm gia đình chị một phen hú hồn, hiện nay vẫn còn rất tức giận. “Gia đình tôi đơn chiếc, chỉ có vợ chồng và bé trai 10 tuổi, bé gái 5 tuổi. Một hôm, chồng tôi làm việc tăng ca cuối tuần, tôi ở nhà cùng các con. Tôi bận nấu nướng, để 2 con xem điện thoại. Bất ngờ nghe tiếng con gái vừa khóc vừa đập cửa phòng, tôi chạy lên thì thấy con trai đứng cười. Mở cửa phòng, nhìn thấy trên điện thoại đang mở hiệu ứng nhát ma, làm con gái tôi hoảng sợ. Hỏi con trai tại sao, bé xin lỗi và nói làm theo “Đóng cửa dọa ma trẻ em” trên mạng xã hội đã xem. Hậu quả, con gái tôi sợ vô cùng, mấy ngày liền không dám tắt đèn ngủ” - chị H. chia sẻ.

Lo lắng con bị ảnh hưởng bởi các trào lưu xấu, độc trên mạng xã hội, chị Bùi Thị Yến Nhi (ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) bày tỏ: “Biết mạng xã hội có nhiều video xấu, nhưng tôi không thể cấm đoán con xem mạng xã hội. Vì vậy, tôi thường theo sát việc sử dụng điện thoại của con hoặc xem cùng con, hướng dẫn, chọn lọc những video lành mạnh. Bên cạnh đó, thay vì bấm “like”, “share”, tôi sẽ báo cáo phản hồi trào lưu tiêu cực, xấu, độc, góp phần tạo môi trường lành mạnh trên mạng xã hội”.

Trào lưu, xu hướng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, đừng vì một vài phút nông nổi, vui đùa quá mức mà ân hận cả đời. Mọi người hãy tỉnh táo trước những trào lưu, xu hướng này. Không nên cổ vũ hoặc bắt chước làm theo để tránh hậu quả đáng tiếc đến sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng.

TRỌNG TÍN