Nhiều vị lãnh tụ của đất nước “duyên nợ” với báo chí

24/01/2020 - 09:24

 - Hòa cùng không khí kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020), nhân dịp Tết đến, xuân về đôi điều bàn chuyện lãnh đạo của đất nước “duyên nợ” với báo chí.

Ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Bác Hồ sáng lập báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta. Bài báo đầu tiên Bác viết là “Quyền các dân tộc” với bút danh Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Nhân Đạo (cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp), ra ngày 18-6-1919 và bài báo cuối cùng là “Thư trả lời Tổng thống Mỹ”, đăng trên báo Nhân Dân ngày 25-8-1969.

Trong hơn 50 năm làm báo, Bác Hồ đã viết cho hơn 50 tờ báo, tạp chí trong và ngoài nước, bằng nhiều ngôn ngữ, nhiều thể loại, trên 50 bút danh và hơn 2.000 bài báo.

Bác đã dùng báo chí như một vũ khí sắc bén đấu tranh với kẻ thù của dân tộc. Bác Hồ dạy nhà báo phải trả lời 3 câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào đây là kim chỉ nam cho người làm báo cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều tên gọi, bút danh

Trước khi Bác Hồ mời cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và đảm trách quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (khi Bác sang Pháp đàm phán, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã là chủ bút báo Tiếng Dân (1927-1943). Báo đặt trụ sở ở Huế, từ số báo đầu tiên (ngày 10-8-1927) cho đến số cuối cùng bị đình bản (ngày 24-4-1943), báo ra được 1.766 số.

Suốt 16 năm hoạt động, báo Tiếng Dân tập hợp được sự đóng góp quan trọng của những người cộng sản nổi tiếng, như: Nguyễn Chí Diễu, Võ Nguyên Giáp, Hải Triều, Đào Duy Anh… thôi thúc lòng yêu nước, gieo tư tưởng chống thực dân Pháp và tay sai.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng

Hiểu rõ vai trò và sức mạnh của báo chí, ông Đặng Xuân Khu (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trường Chinh:1907-1988) lập báo Dân Cày tuyên truyền, giáo dục, tập hợp nhân dân làm cách mạng. Cuối năm 1930, ông bị Pháp theo dõi bắt giữ, kết án 12 năm.

Trong nhà tù, ông bí mật ra báo Con Đường Chính làm vũ khí đấu tranh chính trị, tài liệu huấn luyện cho những đảng viên mới. Với bút danh Qua Ninh, ông cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp (bút danh Vân Đình) biên soạn và công bố tác phẩm “Vấn đề dân cày” vào năm 1937.

Năm 1940, ông được cử làm Chủ bút báo Cờ Giải Phóng - cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương, kiêm phụ trách các tờ báo tiếng Pháp như: Le Travail, Rassemblement, En Avant và báo Tin Tức. Tháng 5-1941, ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, kiêm chủ bút báo Cờ Giải Phóng và Tạp chí Cộng Sản. Từ đây, bút danh Trường Chinh xuất hiện trên rất nhiều tờ báo và tạp chí.

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913-1989) gom góp tiền ra tuần báo Thanh Niên, làm chủ nhiệm với chủ trương đoàn kết người dân 3 miền, kêu gọi trách nhiệm thanh niên, nêu gương anh hùng chống ngoại xâm và đả kích Pháp, Nhật, gây tiếng vang lớn.

Thông qua báo, ông cùng các ông: Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Nguyễn Văn Tạo phát triển phong trào Thanh niên Tiền phong, lồng ghép cuộc vận động người dân tham gia cứu đói ở Bắc Kỳ, tuyên truyền chủ trương đuổi giặc.

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 25-8-1945 ở Sài Gòn - Gia Định, báo là diễn đàn của thanh nhiên và nhân dân, đặc biệt cho cán bộ cốt cán. Ngày 30-9-1944, Pháp đóng cửa báo Thanh Niên khi được 40 số.

Ngay sau đó, ông bị Pháp bắt giam. Năm 1946, trong lúc chuẩn bị ra tờ báo, ông bị bắt lần 2, tại nhà in bí mật. Trong khám lớn Sài Gòn, ông ra báo Phá Ngục và biến nơi đây thành trường học văn hóa, chính trị.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất yêu nghề báo

Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ghi nhận báo Cứu Quốc có vị trí đặc biệt trong thời kỳ khó khăn của lịch sử dân tộc, đóng góp quan trọng cho công cuộc giải phóng dân tộc. Báo thành lập ngày 25-1-1942 trong ngôi nhà nhỏ ở làng Xuân Kỳ (Hà Nội), là cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách.

Báo có 4 trang, là tờ báo đầu tiên đăng nhiều văn bản quan trọng như: Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, Hiến pháp đầu tiên của Quốc hội Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946… và khoảng 400 bài báo của Bác.

Những người phụ trách báo, viết báo đều là nhà chính trị lão luyện, nhà báo cự phách, như: Trường Chinh, Lê Quang Đạo, Xuân Thủy, Nguyễn Thành Lê, Thép Mới, Tô Hoài… Trong đó, nhà báo Xuân Thủy (1912-1985) là linh hồn của tờ báo, người chủ chốt thực hiện chỉ thị của Bác Hồ sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Xuân Thủy trải qua nhiều trọng trách, trong đó nổi tiếng ở cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Ông giữ trọng trách Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước… nhưng với người làm báo Việt Nam, ông là một nhà báo xuất sắc.

Đến thời hiện đại, theo nhà báo, nhà văn Sơn Tùng (tác giả Búp sen xanh - tiểu thuyết viết về Bác Hồ), năm 1967 ông xung phong vào chiến trường Đông Nam Bộ, thành lập và phụ trách Báo Thanh niên Giải phóng. Nơi đây, ông công tác, làm việc chung với nhà báo Sáu Phong, Trần Phong (bút danh của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có 1/4 thế kỷ gắn bó với công tác báo chí. Cụ thể, năm 1967, ông công tác tại Tạp chí Học tập (tiền thân của Tạp chí Cộng sản), một trong ba cơ quan tuyên truyền (báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân) quan trọng và chuyên chính nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 10-1983, ông được đề bạt làm Phó Trưởng ban Xây dựng Đảng và đến tháng 9-1987 làm Trưởng ban của Tạp chí Cộng sản. Tháng 3-1989, ông làm Ủy viên Ban Biên tập và tháng 5-1990 được bầu làm Phó Tổng Biên tập. Đến tháng 8-1991, ông được bầu làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

NGUYỄN RẠNG