Hiện nay, ở An Giang có gần 17.000 tín đồ, đông gấp 5 lần các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Đa phần, bà con DTTS Chăm ở An Giang sinh sống và làm việc tập trung ở các địa phương: An Phú, Châu Phú, Châu Thành, TX. Tân Châu và TP. Long Xuyên. Đời sống tín ngưỡng của đồng bào DTTS Chăm tỉnh An Giang luôn hòa quyện với phong tục tập quán, bà con sinh hoạt tôn giáo ở 12 thánh đường, 16 tiểu thánh đường.
Thời gian qua, đồng bào DTTS Chăm ở các địa phương trong tỉnh nhận được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, nhà nước với nhiều công trình dân sinh có ý nghĩa thiết thực, từ đầu tư đường, trường học, nhà ở, nhà vệ sinh, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế… Qua đó, đã giúp đời sống của bà con ngày càng được cải thiện, việc học hành của con em được quan tâm, các mặt của đời sống nâng cao rõ rệt.
Tháng Ramadan, đồng bào dân tộc thiểu số Chăm sẽ trích một phần lợi nhuận từ việc sản xuất - kinh doanh để làm từ thiện
Khi nói về khái niệm “nhịn chay” trong Tháng Ramadan của đồng bào DTTS Chăm sẽ không giống như khái niệm ăn chay thông thường. Cụ thể, các tín đồ không ăn, không uống, không hút thuốc, không sinh hoạt vợ chồng từ lúc bình minh ló dạng đến khi mặt trời lặn. Đến tối, mọi sinh hoạt ăn uống trở lại bình thường và hừng đông hôm sau sẽ bắt đầu nhịn chay.
Theo Trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang Haji Jacky, việc “nhịn chay” trong Tháng Ramadan sẽ giúp các tín đồ hiểu và cảm nhận được nỗi khổ của những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, sẽ có sự cảm thông, yêu thương, gắn bó, mọi người không phân biệt giàu nghèo càng ngày xích lại gần nhau hơn. Với người Chăm ở An Giang, Ramadan là tháng rất quan trọng, linh thiêng với cả cộng đồng.
Đặc biệt, trong Tháng Ramadan, rất quan tâm đến việc làm từ thiện, vì đây là một trong 5 điều rường cột Islam quy định. Vào dịp này, ban đại diện các thánh đường phối hợp các ban, ngành của địa phương rà soát lại những hộ nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ.
Từ khi bắt đầu Tháng Ramadan đến nay, nhiều hoạt động từ thiện được ban đại diện tổ chức, nhiều nhất là đến trao quà cho bà con có hoàn cảnh nghèo, khó khăn ở các địa phương. Theo bà Siti Hara (thành viên Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang), các phần quà hỗ trợ được trao đến cho bà con chủ yếu là các nhu yếu phẩm dùng hàng ngày, như: gạo, mì gói, đường…
“Hiện nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19, nơi đâu cũng gặp khó khăn, nhất là bà con nghèo, họ là những người chịu nhiều khó khăn hơn. Chính vì thế, khi nhận được những phần quà, dù ít hay nhiều ai cũng vui mừng và cảm kích” - bà Sity Hara cho biết.
Những phần quà được trao đến tận tay và không có giới hạn chỉ tặng cho bà con người Chăm. Chỉ tính riêng từ đầu Tháng Ramadan đến nay, Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang trao gần 1.000 phần quà, dự kiến từ đây đến cuối Tháng Ramadan sẽ trao thêm 2.000 phần quà cho bà con nghèo, khó khăn ở các địa phương. Để có được những phần quà trao đến tận tay người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn, bà Sity Hara cùng ban đại diện đã tích cực vận động nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước.
“Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến việc vận động vì kinh tế của cả thế giới bị ngưng trệ. Do vậy, muốn nhận được sự hỗ trợ, mình phải có kế hoạch, dự án cụ thể gửi cho họ xem xét và hỗ trợ”- bà Sity Hara giải thích.
Ông Haji Jacky cho biết, đa phần nguồn vận động tài trợ đến từ các cá nhân và tổ chức ở nước ngoài. Trong đó có nhiều người trước đây sinh sống và làm việc tại An Giang, sau đó đi định cư ở nước ngoài, có điều kiện ủng hộ bà con khó khăn ở quê nhà. Hầu như việc làm từ thiện của cộng đồng người Chăm được thực hiện quanh năm, tuy nhiên thời điểm trong Tháng Ramadan là mọi người thực hiện nhiều nhất. Theo đó, bà con sẽ trích một phần lợi nhuận từ các công việc sản xuất - kinh doanh trong một năm để thực hiện công việc từ thiện trong Tháng Ramadan.
ÁNH NGUYÊN