Nhìn lại cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam hơn 1 năm qua

17/03/2021 - 14:01

Trải qua hơn 1 năm ứng phó và kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, Việt Nam rút ra 9 bài học kinh nghiệm để có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển KT-XH.

Trao giấy ra viện cho các bệnh nhân được điều trị COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1, Hải Dương, ngày 11-2. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 29-12-2019, các trường hợp mắc COVID-19 lần đầu tiên được ghi nhận tại Vũ Hán (Trung Quốc). Ngày 31-3-2020, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

Tính đến nay, thế giới đã ghi nhận trên 120 triệu ca mắc và trên 2,6 triệu ca tử vong tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

Trải qua hơn một năm ứng phó với đại dịch, nhiều biện pháp quyết liệt như giãn cách xã hội, phong tỏa đã được triển khai trên khắp thế giới.

Chương trình tiêm chủng vaccine đã bắt đầu từ cuối năm 2020 và hiện đã có hơn 360 triệu liều được tiêm tại 149 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, đến nay dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới của virus và tiếp tục tác động sâu rộng tới sức khoẻ và đời sống của cộng đồng quốc tế, tới sự phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Kiểm soát thành công đại dịch COVID-19

Diễn biến đại dịch COVID-19 tại Việt Nam được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 23-1-2020, sau đó tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới là người trở về từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc; người nhập cảnh vào Việt Nam, người trở về từ các khu vực, quốc gia đang có dịch như tại châu Âu và Mỹ…

Giai đoạn 2 được ghi nhận từ cuối tháng 7-2020 đến nay (sau 99 ngày không ghi nhận trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng) với các trường hợp mắc mới tại Đà Nẵng và 14 tỉnh, thành phố khác.

Giai đoạn 3 bắt đầu từ 25-1-2021 đến nay với các ca bệnh được ghi nhận tại tỉnh Hải Dương và 12 tỉnh, thành phố khác.

Tính đến nay, cả nước ghi nhận ghi nhận tổng cộng 2.560 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 1.564 trường hợp lây nhiễm trong nước (61,1%).

Trong số các trường hợp mắc COVID-19 được ghi nhận, đã có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi (85,4%), hiện còn 339 đang được điều trị (13,2%) và 35 trường hợp tử vong (1,4%).

Trong hơn một năm qua, tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội của Việt Nam đều bị tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng, các chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị đình trệ tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...

Ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị Việt Nam đã vào cuộc chống dịch khẩn trương và quyết liệt.

Thường trực Chính phủ họp trực tuyến với một số bộ, ngành và địa phương về phòng, chống COVID-19 ngày 17-3. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Với sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế; các Bộ, ban, ngành, các địa phương luôn sẵn sàng, chủ động vào cuộc mạnh mẽ, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất.

Cùng với sự đồng lòng, đoàn kết, chia sẻ của toàn dân, sự nỗ lực, bền bỉ của toàn quân, công tác phòng, chống dịch đã đạt kết quả tốt. Việt Nam đã kiểm soát thành công nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, được thế giới đánh giá cao mô hình phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả với chi phí thấp.

Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách kịp thời, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19. Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh và vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Quyết liệt chống dịch như "chống giặc"

Trong giai đoạn 1, Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp ở mức cao hơn, sớm hơn so với khuyến cáo của WHO. Việt Nam áp dụng các biện pháp ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập, cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch, được WHO và nhiều nước công nhận là biện pháp đúng đắn, hiệu quả.

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên áp dụng biện pháp bắt buộc khai báo y tế đối với người nhập cảnh, yêu cầu tổ chức cách ly tập trung với các trường hợp đi về từ vùng có dịch và sau đó áp dụng cách ly tập trung đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh.

Đặc biệt, ngay từ đầu, Chính phủ đã huy động lực lượng quân đội thực hiện các nhiệm vụ như cách ly tập trung, kiểm soát nhập cảnh trên các tuyến biên giới. Các lực lượng y tế, khoa học công nghệ cũng nhanh chóng vào cuộc và sớm thành công trong nghiên cứu phân lập virus, chế tạo KIT thử, xây dựng liệu pháp điều trị...

Trong đợt dịch thứ 1 của giai đoạn 1, với diễn biến dịch phức tạp tại xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định khoanh vùng cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi trong vòng 21 ngày (với khoảng 10.600 dân từ ngày 12-2-2020 đến 04-3-2020).

Trong đợt dịch 2 của giai đoạn 1, ngay khi dịch xuất hiện tại Hàn Quốc, Việt Nam cũng đã có dự báo chính xác và lường trước và dự báo khả năng dịch xâm nhập từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ có giao thương, giao lưu lớn với nước ta như các nước châu Âu, châu Á, Hoa Kỳ, các nước ASEAN...

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, từ 1/4/2020 cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là quyết định rất mạnh mẽ, đúng đắn và kịp thời giúp hạn chế được sự lây lan ra cộng đồng.

Trong giai đoạn này, Việt Nam đã áp dụng thực hiện truy vết các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh, đây là biện pháp được nhiều quốc gia đánh giá cao và học tập, thực tế một số nước có trình độ công nghệ cao đã áp dụng biện pháp này đạt hiệu quả rất cao.

Việt Nam cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin bao gồm tự chủ việc sản xuất KIT thử, hoàn chỉnh phác đồ điều trị, kết nối khám chữa bệnh từ xa các cơ sở y tế trong điều trị COVID-19 và nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch được ra mắt.

Trước yêu cầu tiếp tục duy trì các hoạt động kinh tế, thương mại, hội nhập, không thể áp dụng các biện pháp cực đoan như dừng hoạt động nhập cảnh, dừng hoạt động bay quốc tế..., Việt Nam đã bắt đầu tổ chức thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước và đưa nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, lao động tay nghề cao nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam.

Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy tạo lập trạng thái bình thường mới, thực hiện “mục tiêu kép,” duy trì sự liên tục của các hoạt động kinh tế, hỗ trợ thiết thực cho người lao động mất việc, giảm sâu thu nhập và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Ngay cả khi thực hiện giãn cách xã hội vẫn có biện pháp bảo đảm tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu...

Trong giai đoạn này, Việt Nam đã có 99 ngày liên tục không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng; đồng thời điều trị khỏi hầu hết các bệnh nhân, kể cả các bệnh nhân nặng, không để xảy ra trường hợp tử vong.

Trong giai đoạn 2, dịch diễn biến nhanh, khả năng lây lan rộng và nguy cơ tử vong cao do xuất hiện các ổ dịch tại khoa điều trị bệnh nhân nặng trong bệnh viện.

Tuy nhiên, các biện pháp ứng phó được thực hiện nhanh, quyết liệt, đồng bộ; Bộ Y tế đã thiết lập Bộ phần thường trực đặc biệt “Sở chỉ huy tiền phương” và huy động các chuyên gia đầu ngành để hỗ trợ khu vực xảy ra dịch, đồng thời huy động các đơn vị y tế trực thuộc, địa phương cử chuyên gia, cán bộ y tế hỗ trợ cho Đà Nẵng, Quảng Nam.

Tất cả các địa phương đã kích hoạt trở lại hệ thống phòng, chống dịch nên đã xử lý các ổ dịch nhanh và kịp thời.

Việc thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương được triển khai từ sớm, kịp thời ngay từ khi có những trường hợp mắc bệnh đầu tiên và được thực hiện phù hợp, có chọn lọc theo các khu vực nguy cơ, không giãn cách trên diện rộng, liên tỉnh như trước đây, đồng thời thực hiện giám sát, khoanh vùng dập dịch quyết liệt, yêu cầu cách ly tập trung bắt buộc với các trường hợp F1 đã hạn chế lây lan trong cộng đồng góp phần làm giảm tác động của dịch đối với việc phát triển kinh tế để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Trong giai đoạn 3, với sự xuất hiện biến chủng mới của virus có tốc độ lây lan nhanh, dịch bệnh xuất hiện trở lại trong thời gian đang diễn ra Đại hội Đảng và cận kề dịp Tết Nguyên đán, nhưng với tinh thần bình tĩnh, khẩn trương, các cơ quan và các địa phương đã rất chủ động, quyết liệt triển khai ngay các hoạt động phòng chống dịch; đặc biệt Bộ Y tế đã ngay lập tức điều động hơn 10 đơn vị với hơn 1.200 cán bộ trực tiếp hỗ trợ công tác truy vết, xét nghiệm, điều trị và thiết lập 3 bệnh viện dã chiến tại Hải Dương.

Phong tỏa khu vực chung cư Ehome 4, đường Vĩnh Phú 41, khu phố Hòa Long, phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)

Trong giai đoạn này, để phù hợp với tình hình mới, Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện hiệu quả chiến lược truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, lấy mẫu xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp để hạn chế tối đa tác động đến đời sống, an sinh xã hội của người dân.

Tình hình dịch bệnh hiện nay đã được kiểm soát tốt. Tại tỉnh Hải Dương, 10 ngày gần đây chỉ còn 4/12 huyện, thành phố (thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh, huyện Kim Thành và huyện Cẩm Giàng) ghi nhận rải rác 1-2 ca mắc mới trong ngày, đều là các trường hợp đã được cách ly từ trước; các địa phương khác đã qua 21 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.

9 bài học kinh nghiệm

Từ thực tế diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời qua thời gian triển khai các biện pháp phòng chống dịch kể từ đầu năm 2020, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam như sau:

Một là, sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, thống nhất chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp ủy Đảng với sự nỗ lực, khẩn trương của chính quyền các cấp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư đã có lời kêu gọi toàn dân đồng lòng, chung tay chống dịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các chỉ đạo thần tốc, quyết liệt và đúng thời điểm ngay từ rất sớm, đã mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Có thể nói đây là một trong những điểm đặc biệt của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Với sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương trên tinh thần “chống dịch như chống giặc,” toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc và huy động được sự tham gia của toàn thể người dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện các biện pháp đáp ứng phòng, chống dịch một cách mạnh mẽ, huy động được các nguồn lực lớn trong thời gian ngắn phục vụ công tác phòng chống dịch.

Hai là, triển khai sớm, chủ động và đặc biệt là kiên định với biện pháp chống dịch xuyên suốt các giai đoạn là “chủ động ngăn chặn-phát hiện sớm-cách ly kịp thời-khoanh vùng gọn-dập dịch triệt để-điều trị hiệu quả.”

Công dân từ Đài Loan trở về khai báo y tế cách ly tại Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Ngay từ đầu, ngành Y tế đã kiên quyết cách ly những người tiếp xúc gần (F1) và lấy mẫu xét nghiệm để đưa ngay mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng. Từ đó liên tục mở rộng năng lực xét nghiệm.

Đến nay, khả năng xét nghiệm của Việt Nam có thể hoàn toàn đáp ứng khi tình huống dịch xảy ra trên diện rộng.

Cơ chế cách ly của Việt Nam được thiết kế công phu, chi tiết đảm bảo mọi trường hợp nhiễm, nghi nhiễm và những người tiếp xúc gần đều phải được cách ly. Bằng cách ngăn chặn và vô hiệu hóa các mắt xích lây bệnh trong cộng đồng, hệ thống cách ly này ngăn chặn rất hữu hiệu sự bùng phát dịch.

Ba là, với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), tất cả các địa phương trong cả nước đều thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh, thành phố. Đây là một trong những yếu tố then chốt đảm bảo thành công.

Việt Nam đã sáng tạo ra những cách chống dịch rất hiệu quả, tổng hợp sức mạnh của hệ thống chính trị và ý thức công dân của từng người dân.

Bốn là, minh bạch trong việc cung cấp thông tin, truyền thông sâu rộng.

Xác định rõ ngay từ đầu “thắng truyền thông mới thắng được dịch,” Việt Nam đã huy động sức mạnh tổng thể của nền báo chí cách mạng Việt Nam; phát huy hết sức hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật; các lực lượng; các phương tiện; kết hợp đa dạng các hình thức truyền thông để tạo nên một chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch thực sự ấn tượng và hiệu quả.

Năm là, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, trong đó có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các Bộ, ngành trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa ngành y tế và công an, quân đội và các ngành liên quan.

Với tinh thần bảo vệ sức khỏe người dân được đặt lên hàng đầu, các Bộ, ngành đã cùng nhau khắc phục mọi khó khăn, vất vả để hiệp đồng chặt chẽ trong hành động, mang lại hiệu quả cao trong các hoạt động phòng chống dịch.

Đánh giá về sự phối hợp này, Tổ chức Y tế thế giới nhận định: “Việt Nam đã cho thế giới thấy sự lãnh đạo hiệu quả, quyết liệt và xuyên suốt nhiều cấp chính quyền, từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho đến các địa phương.”

Sáu là, chủ động chia sẻ thông tin, hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong phòng chống dịch COVID-19.

Ngay từ đầu dịch, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới để chia sẻ thông tin, đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp chống dịch quyết liệt nhưng hợp lý, điều đó đã được tổ chức quốc tế đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trong bối cảnh khan hiếm hàng hóa y tế trên toàn cầu, các đối tác quốc tế đã trao tặng cho ngành Y tế hơn 290.300 trang bị bảo hộ cá nhân (PPE), gần 1.400.000 khẩu trang, 740 máy thở, đóng góp lớn vào nỗ lực phòng chống dịch của Việt Nam.

Việt Nam cũng đã thể hiện là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế thông qua việc hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch cho một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Bộ Y tế đã trực tiếp hoặc tham gia trao tặng cho hơn 22 quốc gia bao gồm hơn 2 triệu khẩu trang, máy thở, trang bị bảo hộ cá nhân, bộ xét nghiệm COVID-19…

Việc Việt Nam đề xuất thành lập Kho vật tư y tế ASEAN và tham gia tích cực vào quá trình thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó khẩn cấp với các vấn đề y tế công cộng và các bệnh mới nổi, cũng như Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam là nơi đặt trung tâm CDC khu vực và Chính phủ Việt Nam đã đồng ý với đề nghị này là những ví dụ cho thấy cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự chủ động của Việt Nam trong hợp tác quốc tế phòng chống dịch.

Cùng với đó, mặt trận ngoại giao năm vừa qua cũng để lại dấu ấn quan trọng khi tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như ASEAN, G20, AIPA góp phần thể hiện quan trọng vào thành công chung của đất nước đồng thời thể hiện hình ảnh Việt Nam, một điểm đến an toàn, bình yên.

Bảy là, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn ngành. Khi dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng tại cụm ba bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng, hàng nghìn thầy thuốc, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bị “mắc kẹt” trong khu vực này.

Đoàn y tế của thành phố Đà Nẵng lên đường tiếp viện Gia Lai phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Bộ Y tế đã thành lập “sở chỉ huy tiền phương” tại Đà Nẵng và huy động chi viện chưa từng có tiền lệ với lực lượng y tế tinh nhuệ lên đến gần 300 người tới miền Trung để vừa thực hiện điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch và xét nghiệm, vừa thực hiện điều trị cấp cứu các ca bệnh nặng, vừa tiến hành “giảm tải” cụm bệnh viện này.

Bộ Y tế cũng thành lập kho vật tư, hàng hóa hỗ trợ phòng, chống dịch ngay tại Đà Nẵng.

Những bệnh viện thuộc Bộ Y tế như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chi viện các bác sỹ giỏi, thiết bị hiện đại tới các trung tâm y tế tuyến huyện thành ở Đà Nẵng và Quảng Nam, thiết lập nên những đơn vị hồi sức cấp cứu hiện đại, áp dụng các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và điều trị chuẩn với mục tiêu chữa trị thành công cho các bệnh nhân có bệnh nền mắc COVID-19 được chuyển từ cụm 3 bệnh viện Đà Nẵng sang.

Trong thời gian ngắn, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thêm 2 trung tâm xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR tại Đà Nẵng.

Với quyết tâm “trụ lại tâm dịch cho tới khi hết dịch,” đội ngũ chuyên gia của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trung ương và ngành y tế các địa phương như Hải Phòng, Vĩnh Phú, Bình Định… đã thực hiện những nỗ lực phi thường chặn đứng dịch bệnh trong vòng 40 ngày, cứu sống hàng trăm bệnh nhân nặng.

Ngay khi dịch xuất hiện trở lại tại Hải Dương trong giai đoạn 3, một lần nữa ngành Y tế phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ Y tế, chuyên gia đầu ngành về dự phòng, điều trị, xét nghiệm, truyền thông để hỗ trợ tối đa cho Hải Dương, Quảng Ninh và các địa phương nhằm dập dịch trong thời gian sớm nhất (khoảng 1.200 người tham gia chống dịch, trong đó có 60 giáo sư, chuyên gia đầu ngành); tổ công tác của Bộ Y tế đã có mặt tại thực địa trong suốt 34 ngày hỗ trợ các địa phương trong điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, tổ chức cách ly và thu dung điều trị.

Các bệnh viện Bạch Mai, Nhiệt đới Trung ương đã thiết lập 3 bệnh viện dã chiến, 1 phòng hồi sức tích cực hiện đại (ICU) trong thời gian ngắn kỷ lục (trong 18 giờ).

Tám là, chuẩn bị chủ động về hậu cần. Ngành Y tế phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương chủ động chuẩn bị hậu cần, bao gồm tất cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ cho công tác phòng, chống dịch.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm, máy thở.

Có những mặt hàng chủ động sản xuất trong nước, có những mặt hàng chủ động nhập khẩu, mua sắm để không làm gián đoạn hoạt động phòng, chống dịch.

Đặc biệt trong đợt dịch bùng phát tại miền Trung, Bộ Y tế đã thành lập kho vật tư, hàng hóa hỗ trợ phòng, chống dịch ngay tại Đà Nẵng để đáp ứng kịp thời nhu cầu chống dịch trên địa bàn.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được Bộ Y tế đẩy mạnh nhằm tạo những tiền đề vững chắc phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Ngay từ đầu tháng 2/2020, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho cán bộ, nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/ TTXVN)

Tại thời điểm này, Việt Nam là nước thứ tư trên thế giới phân lập được loại virus trên. Đây là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine phòng bệnh. Đến cuối tháng 4/2020, Việt Nam sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm.

Tháng 5/2020, bốn đơn vị của Việt Nam là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) và Công ty Công nghệ sinh học Dược NANOGEN đã bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất vaccine. vaccine Nanocovax do Công ty NANOGEN phát triển đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người từ ngày 26-2-2021.

Vaccine Covivac do IVAC phát triển bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ ngày 15-3-2021.

Chín là, đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Tất cả các hoạt động phòng, chống dịch trong lĩnh vực y tế, cũng như trong kiểm soát biên giới, quản lý người nhập cảnh, bảo hộ công dân... đều tạo điều kiện để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra.

Thủ tướng Chính phủ luôn nhắc nhở các ngành, các địa phương việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ,” hạn chế đi lại, hạn chế giao thương.

[Nhin lai cuoc chien chong dai dich COVID-19 cua Viet Nam hon 1 nam qua hinh anh 6] Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tại Công ty TNHH Thép JFE Shoji Hải Phòng, vốn đầu tư Nhật Bản, tại Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN)

Nhờ những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép mà Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 3%, là một trong số rất ít nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

Dự báo tình hình dịch COVID-19 thời gian tới

Tổ chức Y tế thế giới dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài trong 1-2 năm tiếp theo.

Tại khu vực châu Âu, châu Á, châu Mỹ, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm mặc dù nhiều nước đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Một số quốc gia đã đạt được kết quả ban đầu khả quan trong nghiên cứu, phát triển vaccine, song phần lớn các quốc gia chưa tiếp cận được vaccine do khan hiếm nguồn cung. Thâm chí ngay tại các quốc gia đang tiêm vaccine cũng chưa thể tiêm đầy đủ cho dân số trong nước.

Việt Nam hiện cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn lây lan trên diện rộng, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực, đặc biệt đối với các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao; bên cạnh đó là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh do tình trạng nhập cảnh trái phép.

Trong thời gian tới, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vaccine. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vaccine nhập khẩu còn hạn chế và dự kiến phải tới quý 4/2021 Việt Nam mới có thể cung ứng được vaccine tự sản xuất.

Trước mắt cần tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K, đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Theo Vietnamplus