Nhìn lại hoạt động tín dụng

24/03/2020 - 05:44

 - Năm 2019, với sự nỗ lực và quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh tỉnh An Giang và tổ chức tín dụng, hoạt động ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua đối với 2 chỉ tiêu quan trọng: vốn huy động và dư nợ cho vay.

Các mục tiêu, định hướng phát triển của ngành ngân hàng cơ bản hoàn thành. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá, lãi suất được duy trì ổn định, góp phần ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tín dụng tăng trưởng hiệu quả phù hợp với mục tiêu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, cơ cấu tín dụng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát triển mạnh mẽ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại; đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Giám đốc NHNN Chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, năm 2019, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn bằng các hình thức đa dạng, tăng cường huy động vốn trung hạn, dài hạn kết hợp nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tổng số dư huy động vốn 54.218 tỷ đồng, tăng 18,03% so năm 2018. Vốn huy động trong năm 2019 đạt 8.281 tỷ đồng, tăng cao nhất trong 10 năm (từ 2010-2019), thể hiện niềm tin vào đồng tiền Việt Nam, kênh tiền gửi tiết kiệm ngân hàng là khá an toàn, hiệu quả cao so các kênh đầu tư khác.

Khách hàng giao dịch tại các tổ chức tín dụng

Mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn tỉnh với 61 tổ chức tín dụng, 154 chi nhánh cấp 2, 3 và phòng giao dịch, 157 điểm giao dịch và 22 điểm giới thiệu dịch vụ của Quỹ Tín dụng nhân dân đang hoạt động ngân hàng, với 3.946 người đang làm việc trong ngành ngân hàng.

Các tổ chức tín dụng chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động và cho vay, tiết kiệm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi cho vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) cho doanh nghiệp (DN).

Mặt bằng lãi suất trong năm 2019 duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới diễn biến phức tạp, đảo chiều nhanh chóng, tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất trong nước.

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, để có được kết quả đó, các tổ chức tín dụng tập trung các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi tăng cường quản lý chất lượng tín dụng; ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đầu tư vào các DN nhỏ và vừa sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu theo các chương trình mục tiêu kinh tế trọng điểm của tỉnh, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhờ đó, tổng dư nợ đến cuối tháng 12-2019 là 72.553 tỷ đồng, so cuối năm 2018 tăng 10,93% (tăng 7.147 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ ngắn hạn 50.615 tỷ đồng (chiếm 69,76%), dư nợ trung, dài hạn 21.938 tỷ đồng (chiếm 30,24%).

Mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 đạt 7.147 tỷ đồng, cũng là năm cao nhất trong 10 năm (từ 2010-2019), trong đó tín dụng tăng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 3.554 tỷ đồng (chiếm gần 50%).

Số dư tăng trưởng tín dụng cho thấy các tổ chức tín dụng rất quan tâm đầu tư vào lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là lúa, cá. Riêng 16 chương trình tín dụng chính sách năm 2019, tổng dư nợ 3.105 tỷ đồng, tăng 6,67% so cuối năm 2018.

Những tháng đầu năm 2020, mặc dù trong điều kiện kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng hoạt động SXKD và hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng, nhưng NHNN Chi nhánh An Giang đã bám sát diễn biến tình hình, tăng cường lãnh chỉ đạo, triển khai kịp thời các chương trình, chính sách. Các tổ chức tín dụng vẫn hoạt động ổn định, hiệu quả, góp phần duy trì tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

NHNN Chi nhánh An Giang cho biết, quý I-2020, tổng số dư vốn huy động vốn đạt 53.331 tỷ đồng, giảm 1,63% so cuối năm 2019, tổng dư nợ đạt 71.320 tỷ đồng, so cuối năm 2019 giảm 1,69%.

Nguyên nhân vốn huy động và dư nợ tín dụng giảm do chính sách quản trị, phân loại khách hàng của một số tổ chức tín dụng, chuyển số dư tiền gửi, tiền vay của một số công ty về bộ phận chăm sóc khách hàng lớn Hội sở chính quản lý.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, số dư vốn huy động toàn tỉnh tăng 1,17% so cuối năm 2019, tương đương 634 tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng 2,1% so cuối năm 2019, tương đương 1.530 tỷ đồng. Nợ xấu thấp: 702 tỷ đồng, chiếm 0,98%/tổng dư nợ. Tín dụng đối với 2 mặt hàng lúa gạo, thủy sản đều có mức tăng trưởng khá, ổn định, cao hơn so cùng kỳ năm 2019.

Để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn hoạt động SXKD của người dân và DN do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, quý I-2020, NHNN Chi nhánh An Giang đã triển khai chỉ đạo của NHNN Việt Nam, UBND tỉnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay, giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ và cho vay mới để duy trì, ổn định SXKD...

Từ nay đến cuối năm, NHNN Chi nhánh An Giang tiếp tục triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của NHNN Việt Nam, chủ trương, chương trình kinh tế trọng điểm của UBND tỉnh đến các tổ chức tín dụng; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen”; đẩy mạnh kết nối ngân hàng- DN, tăng cường đối thoại DN.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ DN khởi nghiệp... Tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển mạng lưới, phòng giao dịch, máy ATM; thực hiện các giải pháp tái cơ cấu tổ chức tín dụng.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thanh toán thẻ qua POS, thanh toán điện tử liên ngân hàng... Đặc biệt, triển khai các giải pháp tín dụng, ngân hàng hỗ trợ DN và người dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

HẠNH CHÂU