Nếu mùa nắng, cả cánh đồng trơ ra mặt đất khô cằn, thì mùa mưa về tưới tẩm đã phủ kín màu xanh mơn mởn của sự sống ở mọi góc nhìn.
Do địa hình đặc thù, đa số đất để sản xuất nông nghiệp, nên bà con tận dụng trồng cây màu ngắn ngày, từ đậu xanh, đậu phộng, đến khoai lang, khoai cao, khoai từ, khoai mì…
Mặt đường khá thấp so với ruộng, rẫy xung quanh, thấp thoáng phía xa là núi xanh rì trải dài, chẳng cần thêm con người bày trí can thiệp, thiên nhiên đã tự đủ đầy nét thi vị. Trong số lúa được trồng ở đây có cả lúa Nàng Nhen – đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Chúng dễ nhận diện vì mọc cao hơn, bông lúa có màu sẫm đặc trưng rất ấn tượng.
Ngày trước, con đường này chỉ là đường đất mòn nhỏ hẹp, chuyên vận chuyển nông sản. Bà con đã đồng lòng nâng cấp lên bê-tông, mỗi người nhường một phần đất sản xuất để mở rộng mặt đường, phương tiện đi lại dễ dàng hơn.
Cung đường cũng mở lối cho những người đến Tri Tôn dạo chơi khám phá, săn ảnh đẹp, "check-in"… Bà con với tấm lòng hồn hậu, quen dần với sự xuất hiện của những “người lạ”, thậm chí vui vẻ hợp tác để khách phương xa ghi lại khoảnh khắc làm việc đời thường của mình.
Trẻ em lại càng hiếu khách hơn. Chúng vui vẻ chào đón bất kỳ ai ghé ngang qua sân chơi của mình. Ở đây, người ta có thể tìm thấy khoảng trời tuổi thơ đúng nghĩa, hồn nhiên, hòa đồng và những thú vui “không smart phone”…
Con người vẫn thế, ruộng đồng vẫn thế, nhưng có những khoảnh khắc không bao giờ được gặp lại lần nữa. Nên mỗi lần trở lại đồng trâm, người ta luôn có những cảm xúc mới. Mọi thứ không ngừng níu chân những kẻ lang thang về núi để tìm chốn bình yên.
HOÀI ANH