Chỉ còn ít ngày nữa là lại đến Tết, con phố nhỏ đã bắt đầu bày bán nhiều hàng hóa phục vụ cho dịp lễ đặc biệt nhất trong năm. Người bán người mua đều hối hả. Bỗng giật mình nhớ lại Tết xưa, Tết một thời còn ở dưới quê, nghèo khó nhưng mà rất vui…
Trẻ em vui chơi ngày Tết. Ảnh: Hoàng Hà
Cánh trẻ con chúng tôi thời ấy chỉ mong nhanh đến Tết, để được mẹ mua quần áo mới và được ăn thịt lợn đụng Tết. Vì quần áo thời đó hiếm, một năm cố gắng lắm dịp Tết mới có cơ hội để mua quần áo mới, còn lại là quần áo cũ mặc lại của nhau.
Từ 27, 28 Tết đã thấy mẹ và chị đi chợ, chuẩn bị nào là đỗ xanh để gói bánh chưng, nào là quất chín để cài vào nải chuối thờ...
Sáng 30 Tết, mấy chị em tôi dậy từ rất sớm, phần vì háo hức Tết, phần vì nghe tiếng mẹ đã dậy, đang chuẩn bị rổ và thau đi lấy phần thịt lợn đụng về để làm bữa cơm cúng tất niên. Không ai bảo ai, chị em chúng tôi chia nhau công việc, chị lớn thì vo gạo nếp, tôi ít tuổi hơn được giao nhiệm vụ rửa lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng.
Vì bố mất sớm, nên mẹ tôi cũng cố gắng học gói bánh chưng và dạy lại cho tôi. Mẹ vẫn hay bảo “không có bánh chưng là không có Tết”, con là con trai cần học gói bánh để sau này nhỡ mẹ già thì con cũng lo cái Tết được ý nghĩa, tươm tất. Tôi ngồi cạnh mẹ liền xin mấy chiếc lá tập gấp…, thi thoảng đâu đó vẫn có tiếng pháo nổ đì đùng vẳng lại, đúng là Tết đến thật rồi!
Đó là Tết của hơn 30 năm về trước, thời đó còn rất nghèo và hàng hóa thì rất khan hiếm. Giờ đây, Tết đã khác xưa rất nhiều, ngày xưa là “ăn Tết” thì bây giờ là “chơi Tết”, bánh chưng còn rất ít nhà tự gói mà đa phần là đi mua bánh chưng làm sẵn. Thịt lợn cũng đi mua một vài cân chứ ít nhà đụng lợn như xưa.
Nhiều lúc giật mình nhớ lại Tết xưa, hoài niệm về một thời tuy gian khó nhưng thật vui, rồi lại nghĩ mình sắp già rồi nên mới nói “bao giờ cho đến Tết xưa”.
Theo Vietnamnet