Nhọc nhằn nghề sửa chữa ghe tàu

05/09/2024 - 06:54

 - Mỗi người một việc: Trét, đo, cưa, đóng... cặm cụi hoàn thành công đoạn được phân công. Âm thanh phát ra từ búa, cưa, đôi lúc kèm tiếng cười huyên thuyên xua tan mệt nhọc. Đó là quang cảnh của khu vực sửa chữa ghe, tàu cặp bờ sông Hậu (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang).

Ông Ba Vũ (chủ cơ sở sửa chữa ghe Trường Vũ) theo cha học nghề khi mới 15 - 16 tuổi. Ngót nghét, ông đã 40 năm hành nghề, bôn ba khắp nơi, sau cùng bám trụ trên đất cù lao này. Công việc sửa chữa ghe tàu kéo dài quanh năm. Những chiếc ghe thời gian dài lênh đênh trên sông nước, nhiều chỗ bị mòn, mục nứt, cần phải vá lại.

Có thể là ghe vận chuyển hàng hóa, ghe làm kế sinh nhai lẫn nơi trú ngụ của một số hộ gia đình. Những chiếc xuồng câu của ngư dân đánh bắt thủy sản cũng được đem lại tân trang, chuẩn bị cho mùa nước nổi đi giăng câu, cào cá xung quanh cồn.

Có ghe sửa quanh năm, nên thợ yên tâm bám nghề, thu nhập khoảng 400.000 đồng/ngày. “Nghề này khá vất vả, nắng mưa cũng phải tranh thủ sửa càng nhanh càng tốt. Vì đây là phương tiện, kế sinh nhai của người ta. Tranh thủ sửa nhanh, nhưng người thợ phải thật tỉ mỉ. Tùy mức độ hư hỏng mà thời gian sửa chữa nhanh hay chậm” - ông Ba Vũ chia sẻ.

Theo nghề được 5 - 6 năm, anh Sáu Giàu (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) cho biết: “Mỗi sáng, tôi chạy qua cơ sở, chiều chạy về. Công việc tuy vất vả, nhưng thu nhập ổn định, đủ trang trải cuộc sống”.

Đang dọn vệ sinh chiếc ghe, anh Ba Phước (xã Mỹ Hòa Hưng) cho biết: “Tôi có chiếc ghe cào cá để mưu sinh. Mấy tháng nước giựt, cào không có cá tôm, cuộc sống bấp bênh. Tôi lên bờ làm công cho cơ sở sửa chữa ghe, nhờ vậy có nguồn thu nhập lo cho gia đình. Tranh thủ sửa lại chiếc ghe cho chắc chắn, chuẩn bị mùa đánh bắt mới”.

Ông Ba Vũ tâm sự thêm, những năm về trước chưa có máy móc hỗ trợ, nghề lắm vất vả, công phu. Mọi thao tác đều làm thủ công, từ cưa, khoan, bào, đục đều dùng sức người, thời gian sửa chữa kéo dài hàng tháng.

Được cái, thợ mộc nhiều, công việc cũng thuận lợi. Có khi khách hàng phải trang bị 2 ghe dự phòng, để công việc của họ không bị gián đoạn khi 1 ghe đang sửa. Ngày nay, công cụ máy móc hỗ trợ nhiều, rất nhanh. Ngược lại, người thợ khó tìm.

Mùa nước lên, nghề sửa chữa ghe tàu càng vất vả hơn. Cơ sở chưa đủ kinh tế để đầu tư đường ray. Vài người hợp sức mới kéo được ghe lên bờ. Kiểm tra sửa chữa đáy ghe là phải dầm nước suốt cả ngày. Để sửa 1 chiếc ghe, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn, khó nhất là đốt hơ be để tạo dáng. Tùy vào từng loại ghe to hay nhỏ, phải lên be, vô cong, áp khẩu, đóng mui…

Sửa hình dáng chiếc ghe cũng lắm công phu, phải có thẩm mỹ tạo nét độc đáo ở mũi, lái, nhất là đôi mắt trước ghe, thể hiện được thần thái cho ghe. Chiếc ghe là tài sản của khách hàng, là công cụ sinh kế, người thợ sửa chữa cũng phải đắn đo, chọn loại gỗ chất lượng vừa phải, tiết kiệm chi phí cho chủ ghe, nhưng vẫn đảm bảo được độ bền, tuổi thọ đạt 5 - 10 năm.

“Nghề sửa chữa ghe tàu đòi hỏi người thợ phải cẩn trọng và thấu đáo. Một chỗ rò rỉ nhỏ sau khi sửa chữa trở thành thảm họa khi hàng hóa chứa đầy khoang” - ông Ba Vũ chia sẻ.

Đường bộ ngày càng phát triển mạnh, nhưng giao thông đường thủy vẫn được duy trì, bởi lợi thế cước phí vận chuyển thấp. Nhờ đó, thợ sửa chữa ghe tàu vẫn sống được với nghề. Bằng đôi tay khéo léo, kinh nghiệm, tận tụy với công việc, họ giúp cho những chuyến hàng rẽ sóng mưu sinh đảm bảo an toàn. Đó là điều mong mỏi của người thợ sửa chữa ghe tàu.

ĐĂNG LÂN