Chiếc phà sắt lừ đừ chẻ nước ràn rạt đưa chúng tôi sang thăm cù lao Ông Hổ, quê hương Bác Tôn. Mùa này, cơn gió Đông thổi lồng lộng qua mặt sông, cái ớn lạnh không làm chùn bước dòng người qua lại. Phà vừa cập bến, con lộ nhựa nông thôn cặp rạch Trà Mơn dẫn chúng tôi đến cây cầu đúc, rồi tới chợ. Mặt trời chưa ló dạng, sương còn giăng mờ khắp xứ cù lao, chúng tôi ghé vào quán bún riêu trong chợ ngồi thưởng thức. Xứ cù lao này đồ ăn, thức uống đều có giá bình dân. “Mỗi tô bún 15.000 đồng, ly cà-phê sữa đồng giá 15.000 đồng. Xứ cù lao người dân lao động chiếm số đông, bán bình dân để bà con còn tới lui ăn uống lâu dài” - anh Cường chủ quán bún hỉ hả.
Quan sát xung quanh, người dân xứ cù lao ghé chợ ngồi thư thả ăn ăn sáng, uống ly cà-phê giải khát, rồi huyên thuyên chuyện mùa vụ, cây trái xứ cồn trong những ngày Tết cận kề. Khung ảnh mộc mạc, chân quê này luôn diễn ra hàng ngày tại xứ cù lao hiền hòa.
Khu vực chợ Trà Mơn có nhiều người dân bán đủ món ăn sáng, như: Bún cá, bún riêu, cơm tấm, cơm sườn, cháo lòng, hủ tíu… Trong không khí se lạnh của tiết trời cuối năm thật dễ chịu, bà con ngồi túm tụm ăn sáng, chúng tôi mường tượng giống như bức tranh chợ phiên ở rẻo cao vùng Tây Bắc. Nhìn qua bên kia chợ, có nhiều nông dân lớn tuổi ngồi vắt chéo chân trước quán nước “dã chiến” thư thả dõi theo dòng người đi chợ sớm. Cái Tết cận kề các bà, các chị hối hả xách chiếc giỏ đến chợ chọn lựa cho mình mớ rau, con cá hoặc mua sắm đồ Tết. Khi nắng mai qua khỏi dãy nhà quê đã xua tan cái lạnh, cũng là lúc chợ Trà Mơn đông dần. Rảo sâu trong chợ, người dân xứ cồn đi chợ ì xèo mua cá, mua thịt, gà, vịt… nấu buổi cơm thịnh soạn ngày cuối tuần. “Cuối tuần, con tôi đi làm ở Sài Gòn về chơi. Sáng sớm, tôi đến chợ Trà Mơn chọn mua con vịt xiêm về nấu chao để đãi gia đình” - bà Tám Hạnh xởi lởi.
Mặt hàng nông sản phong phú
Anh Cường có trên 20 năm bán bún riêu tại chợ nói rằng, ngày nào cũng đông dân đến chợ mua sắm rất vui. Chợ này tuy nhỏ, nhưng hàng hóa, nhu yếu phẩm đủ phục vụ cho hàng ngàn hộ dân nơi đây. Dường như tại xứ cù lao này, bà con không sợ thiếu hàng hóa, thực phẩm. Rau màu, cá mắm, gà vịt được người dân nuôi trồng bên cồn. Buổi sáng, họ mang ra chợ bán toàn đồ ngon, rẻ. “Ở quê, mặt hàng nông, thủy sản phong phú được người dân mang ra chợ bán nhộn nhịp. Vào ngày thứ bảy, chủ nhật, chợ Trà Mơn thu hút đông đảo người dân mua sắm. Ngày thường, vợ chồng tôi bán 60 tô bún, nhưng đến ngày cuối tuần phải tăng số lượng 100 tô thì mới đủ phục vụ bà con” - anh Cường bày tỏ.
Mỹ Hòa Hưng là xã cù lao, được hình thành bởi cù lao Ông Hổ và cồn Phó Ba, nằm giữa dòng sông Hậu, phù sa bồi đắp, cây trái tốt tươi. Con người nơi đây giàu lòng nhân hậu, nhiệt tình. Xã có tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.100ha, trong đó diện tích gieo trồng lúa khoảng 1.000ha, hoa màu các loại và cây trồng khác hơn 548ha. Kinh tế xứ cù lao chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Xã có rạch Trà Mơn dài 6,8km nối từ đầu cù lao Ông Hổ đến nhánh sông Hậu, rạch Rích dài 5,8 km nối từ rạch Trà Mơn đến cuối cù lao Ông Hổ, rạch Bà Chánh dài khoảng 5km nối từ đầu cù lao Ông Hổ đến kênh Lộ. Ngoài ra, Mỹ Hòa Hưng còn có con kênh Lộ xuyên qua giữa cù lao dài 3,3km từ nhánh sông Hậu (bến đò Trà Ôn) qua chợ Trà Mơn chạy thẳng đến sông Hậu.
Các con sông, kênh, rạch này không chỉ cung cấp nguồn nước ngọt dồi dào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ sinh hoạt đời sống người dân, mà còn là đường giao thông thủy rất thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Những cao niên ở đây kể rằng, thuở xưa khi lưu dân đến khai phá vùng đất Mỹ Hòa Hưng đã tận dụng điều kiện tự nhiên về sông nước để thích nghi với cuộc sống. Dựa theo sông, kênh rạch để xây dựng nhà ở, chợ. Dòng sông tự nhiên dần trở thành hệ thống giao thông thủy. Ghe, xuồng trở thành phương tiện đi lại và chuyên chở hàng hóa cung cấp đời sống. Khi hệ thống giao thông thủy được hình thành, trên các tuyến sông xuất hiện hoạt động vận tải hành khách và chở hàng nông thủy sản.
Ngoài ra, nhiều người dân ở cù lao Ông Hổ, cồn Phó Ba sử dụng phương tiện thủy qua lại chợ Long Xuyên làm ăn, buôn bán. Nhờ giao thông đường thủy thuận lợi, góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại ở Mỹ Hòa Hưng phát triển, chủ yếu là lúa gạo, thủy sản và sản phẩm nông nghiệp. Chợ Trà Mơn được hình thành rất sớm. Ban đầu, chợ còn rất nhỏ nằm ngã ba rạch Trà Mơn và kênh Lộ. Hiện nay, chợ này được xây dựng khang trang, bố trí tiểu thương vào buôn bán trật tự, hàng hóa đa dạng. “Vài hôm nữa những người đi xa làm công nhân trở về đón Tết đông như hội. Những chuyến phà hoạt động hết công suất mới chở kịp các cháu về vui Tết. Sáng sớm, sắp nhỏ ra chợ mua sắm, ngồi ăn sáng, giải khát đông kín các quán ăn” - ông Tư Luôn, 71 tuổi cho hay.
Hiện nay, đường sá trên địa bàn Mỹ Hòa Hưng thông suốt đi lại dễ dàng, tạo điều kiện cho tiểu thương và nông dân mang các mặt hàng nông, thủy sản đến chợ tiêu thụ. Chợ Trà Mơn được nâng cấp, mở rộng đưa vào hoạt động năm 2012, sắp xếp cho hàng trăm tiểu thương kinh doanh mua bán, cung ứng hàng hóa phong phú đa dạng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu đời sống người dân. Chợ hoạt động khá nhộn nhịp, từng bước xây dựng và phát triển theo tiêu chí chợ trật tự, vệ sinh. Chú Lộc (75 tuổi) cư dân xứ cù lao tự hào: “Cá, tôm, thịt heo, gà, vịt, rau, củ, quả… đủ loại dễ dàng chọn lựa. Ngày nào cũng vậy, mờ sáng chúng tôi ngồi bên quán gần chợ huyên thuyên, nhìn người dân đi chợ rất đông vui”.
Bình minh lên nhanh, chợ Trà Mơn thưa người đi chợ. Chợ quê là vậy, nhóm họp từ rất sớm phục vụ bà con đi chợ sớm để họ còn tranh thủ chuyện đồng áng, ruộng vườn, kiếm thu nhập trong ba ngày Tết.
LƯU MỸ