Nhu cầu thiết chế phục vụ đời sống người lao động

23/05/2023 - 05:06

 - Các thiết chế phục vụ công nhân tại khu công nghiệp, bao gồm: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, sân chơi, nhà ở giá rẻ… là nhu cầu bức thiết. Nhiều công trình, hạng mục đã và đang được chính quyền đầu tư xây dựng, song vẫn chưa đủ, sát với khả năng thực tế của người lao động (NLĐ) hiện nay.

Một công nhân Công ty TNHH Apparel (Khu công nghiệp Bình Hòa) kiến nghị: “Công nhân đều thuê nhà trọ. Điều kiện an ninh trật tự, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. Khu công nghiệp Bình Hòa đã xây dựng nhà ở xã hội, nhưng giá thành rất cao so mức lương của công nhân. Chúng tôi mong các cấp lãnh đạo xây dựng khu nhà ở giá rẻ dành riêng cho đối tượng công nhân, giá cả phù hợp túi tiền, giúp chúng tôi an cư, an tâm, thoải mái làm việc và sinh sống”.

Một nữ công nhân của Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Sau khi nghỉ thai sản 6 tháng, NLĐ phải đi làm lại. Trẻ 6 tháng thì chưa thể gửi vào trường công, mà gửi trường tư thì chúng tôi không an tâm. Vì vậy, nhiều lao động nữ phải nghỉ việc, ở nhà trông con hoặc nhờ ông bà trông giúp, nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Tôi mong nhà nước tăng cường lớp giữ trẻ từ 6 tháng tuổi ở trường mầm non. Đồng thời quan tâm, đầu tư điểm giữ trẻ riêng cho con công nhân lao động tại cụm/khu công nghiệp, để sau sinh NLĐ có thể yên tâm đi làm”.

Công nhân lao động gặp khó khăn khi tiếp cận nhà ở xã hội

Đó là nguyện vọng của công nhân khi đề cập đến điều kiện thiết chế tập trung ở khu công nghiệp, nơi tập trung công nhân ở trọ. Tình hình kinh tế thế giới đang khủng hoảng, nên các công ty, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp rút ngắn đơn hàng, thậm chí không có đơn hàng. Việc làm và thu nhập của công nhân bị ảnh hưởng khá lớn, muốn duy trì gắn bó phải có nhà ở ổn định. Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, rất nhiều công nhân phải ở trọ, trong khi nhà ở xã hội khá cao, họ khó tiếp cận mua nhà.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phan Duy Quang, chủ trương về nhà ở xã hội và chính sách nhà ở xã hội được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh triển khai hơn 1.000 căn nhà ở xã hội cho NLĐ thu nhập thấp, công nhân tại TP. Long Xuyên và huyện Châu Thành. Đối với Khu công nghiệp Bình Hòa, dự án nhà ở xã hội có gần 900 căn, trong đó 600 căn nhà liên kế (đã bán hết) và 200 căn nhà chung cư (đang triển khai). Trong đó, giá nhà liên kế hơn 10 triệu đồng/m2.

“Chúng tôi nhìn nhận, nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động. Đồng thời, giá thành cao, chưa phù hợp với khả năng của công nhân. Nguyên nhân là chi phí xây dựng cao (tác động của nhiều yếu tố trong và ngoài nước, có cả đại dịch COVID-19, chiến tranh, giá vật liệu tăng cao…).

Bên cạnh đó, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản - trực tiếp liên quan đến nhà ở xã hội - ra đời từ lâu, đến nay có nhiều điểm không còn phù hợp thực tế. Do đó, chủ đầu tư dù được hỗ trợ rất nhiều về vốn, tiền sử dụng đất, tiền thuế, nhưng chưa có cơ chế cụ thể để giảm giá thành xây dựng và giảm giá nhà ở xã hội” - ông Phan Duy Quang lý giải.

Trong năm nay, Quốc hội thông qua 3 luật nói trên để sửa đổi, có nhiều điểm mới, đặc biệt đối với Luật Nhà ở. Dựa trên các điểm mới được ghi nhận, sẽ góp phần phát triển nhà ở xã hội, giảm giá thành. Các nội dung đáng chú ý là: Bổ sung, phát triển nhà ở xã hội; cho phép doanh nghiệp (DN), hợp tác xã được mua nhà ở xã hội để cho NLĐ thuê lại; nhà nước hợp tác với DN, hợp tác xã để xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung. Kỳ vọng, khu nhà ở nhà khi được triển khai sẽ đi kèm tiện ích, thiết chế nhà trẻ, mẫu giáo, trung tâm y tế… cho người thu nhập thấp thụ hưởng dịch vụ.

Tỉnh đã thông qua quy hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, phát triển thêm 3.510 căn nhà ở xã hội. Trong 5 năm tiếp theo, phát triển thêm 5.310 căn nhà ở xã hội. Số liệu này được tính toán dựa trên nhu cầu, số công nhân trên địa bàn, thu nhập của NLĐ. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 2 dự án đang triển khai: Golden City và Tây đại học. Cùng với đó, các dự án thương mại khác dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội, đang được Sở Xây dựng đôn đốc DN triển khai.

Tại Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành), công đoàn xây dựng Trường mầm non công đoàn (13 tỷ đồng), 10 phòng giữ trẻ đã đưa vào hoạt động. Ngoài ra, nhiều sân thi đấu bóng đá, bóng chuyền, điểm sinh hoạt văn nghệ được xây dựng cho công nhân giao lưu sau giờ làm việc. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh khẳng định, việc xây dựng nhà trẻ tại khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu và ở địa phương được các đơn vị quản lý rất quan tâm. Thời gian tới, sẽ tiếp tục có nhiều thiết chế được đầu tư xây dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của lao động, bao gồm cả nhà ở xã hội cho công nhân.

Hiện nay, toàn tỉnh An Giang có trên 122.000 lao động. Cùng với chính sách chăm lo về đời sống, chính quyền tỉnh cùng các cấp công đoàn không chỉ cam kết, mà còn tích cực triển khai xây dựng các thiết chế phục vụ công nhân. Qua đó, công nhân, NLĐ có chỗ ổn định, sinh hoạt thuận tiện, chất lượng cuộc sống được cải thiện, để họ yên tâm làm việc, đóng góp nâng cao năng suất lao động.

HOÀI ANH