Gom góp hành trang tri thức
Người không “Đông Du” theo lời khuyên của các bậc tiền bối mà chọn con đường “Tây Du” sang “mẫu quốc” và các nước đế quốc khác “xem họ làm như thế nào để trở về giúp đồng bào”. Nhưng trước đó, khoảng đầu tháng 9-1910, trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ) dừng chân ở Phan Thiết. Người xin dạy học tại Trường Dục Thanh, một trường tư thục do các con trai của cụ Nguyễn Thông (một nhân sĩ yêu nước) thành lập. Việc dạy học chỉ là tạm thời, song Người vẫn đem hết lòng nhiệt tình truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước và những suy nghĩ về vận mệnh của đất nước.
Trong khu vườn của gia đình cụ Nguyễn Thông, ngôi nhà Ngọa du sào (nơi nằm đọc sách mà như là du ngoạn trong thế giới hiểu biết) chứa nhiều sách tân thư do Trung Quốc dịch sang chữ Hán. Chính tại đây, lần đầu tiên thầy Thành có dịp tiếp cận với tư tưởng của Lư Thoa (J.J.Rousseau), Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu), Phục Nhĩ Thái (Fr.Voltaire), những văn hào và triết gia Pháp đã khởi xướng các thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái... Rời sách vở, thầy Thành còn tiếp xúc với bà con ngư dân ở bến cá Cồn Chà, hỏi cách đánh bắt cá, cách định phương hướng khi đi biển, cách chống say sóng, cách nhận biết những dấu hiệu của các cơn giông bão ngoài khơi.
Những tháng ngày dừng chân ở Phan Thiết càng làm thầy giáo Nguyễn Tất Thành quyết chí tìm cách ra nước ngoài, xem đó là con đường học hỏi. Đầu tháng 2-1911, khi vào Sài Gòn, Người thấy thêm những điều mới lạ, thấy rõ hơn sự đối lập giữa cảnh sống của bọn thực dân và những người lao động mất nước. Người đi vào xóm thợ, làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi đang làm thợ hay học nghề ở Trường Kỹ nghệ thực hành, Trường Đào tạo thợ máy Á Đông ở Sài Gòn. Người cũng làm quen với những hiệu giặt là ở gần cảng Nhà Rồng, chuyên giặt quần áo cho các thủy thủ trên tàu của Pháp để xin việc làm trên tàu. Ngày 3-6-1911, Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba, được thuyền trưởng tàu Amiran Latusơ Tơrêvin nhận vào phụ bếp trên tàu.
“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi”
Ngày 5-6-1911, tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời bến cảng Sài Gòn đi Mácxây (Marseille), mang theo một người thanh niên Việt Nam đầy lòng yêu nước, thương dân, ôm ấp một hoài bão lớn. Chuyến đi ấy mở đầu cho rất nhiều gian lao, vất vả, cho hành trình xa quê đằng đẵng 30 năm. Qua ngòi bút của Chế Lan Viên, hậu nhân hiểu được cảm giác của Người thời điểm ấy: “Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!”.
Ở nước ngoài, Bác làm nhiều nghề, tham gia các cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình. Ngày 18-6-1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đã thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) bản yêu sách, đòi Chính phủ các nước họp Hội nghị phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Năm 1920, tại Đại hội Tua, Người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp. Năm 1922, xuất bản tờ báo "Người cùng khổ" ở (Le Paria) Pháp...
Sau gần 10 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản chủ yếu và nhiều nước thuộc địa của chúng.
Sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lê-nin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Từ năm 1930 - 1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ.
Năm 1941, Người về nước triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối đúng đắn lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo sự nghiệp cải tạo XHCN và xây dựng CNXH ở miền Bắc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đặt nền móng và không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Người đã tìm thành công hình hài của đất nước. “Thế đi đứng của toàn dân tộc” đã được khẳng định mãi đến ngày hôm nay!
GIA KHÁNH