Cha mẹ hoàn toàn có thể làm tổn thương trẻ từ chính những lời nói của mình
"Để cha/mẹ yên"
Bậc phụ huynh nào không khao khát được nghỉ ngơi và có phút giây riêng tư cho mình thì quả là một vị thánh. Rắc rối là khi bạn thường xuyên nói với con các câu như "Để cha/mẹ yên", "Đừng làm phiền cha/mẹ", "Cha/mẹ đang bận", trẻ sẽ tiếp thu các thông điệp đó theo hướng tiêu cực.
Theo tiến sĩ Suzette Haden Elgin, trẻ sẽ "bắt đầu nghĩ rằng không có lý do gì để nói chuyện với cha mẹ vì cha mẹ luôn gạt chúng ra". Trẻ sẽ tập thói quen không làm phiền và đau đớn nhất là có thể trở nên ít nói với những người sinh thành ra chúng, kể cả khi lớn thêm.
Vì vậy, cha mẹ nên học cách tự điều chỉnh tâm trạng của mình và những lúc quá bận, hãy nói nhẹ nhàng với con. Nhất là với các bé mẫu giáo và tiểu học, phụ huynh có thể gợi ý, chuẩn bị một vài thứ cho bé tự chơi trước khi thực sự chơi cùng trẻ.
"Không khóc!"
Khi nói với trẻ: "Đừng khóc", "Đừng buồn", "Đừng sợ"... cha mẹ sẽ không thể giải quyết được tận gốc vấn đề. "Thật tự nhiên khi muốn bảo vệ một đứa trẻ khỏi những cảm giác như vậy nhưng khi nói đừng như vậy sẽ không làm cho bé cảm thấy tốt hơn, ngược lại có thể gửi đi thông điệp rằng cảm xúc của con là không hợp lệ", tiến sĩ Debbie Glasser cho biết.
Thay vì phủ nhận, bạn hãy cố gắng đặt tên cho các cảm xúc của con, cho bé thấy ý nghĩa của đồng cảm. Cuối cùng, trẻ sẽ khóc ít hơn và trên cả là học được cách mô tả cảm xúc của mình.
"Tại sao con không thể giống như..."
Có thể bạn cảm thấy sẽ hữu ích khi nêu ra cho con những tấm gương sáng ngời từ anh, chị hoặc bạn bè nhưng hóa ra câu nói này lại chỉ phản tác dụng. Hãy nhớ rằng con bạn là chính mình chứ không phải một ai khác.
Theo các chuyên gia, việc cha mẹ so sánh con cái là điều tự nhiên như một cách tìm kiếm khung tham chiếu cho hành vi hoặc các mốc quan trọng trong đời con. Tuy nhiên, đừng để con bạn nghe thấy điều đó. Trẻ em phát triển theo tốc độ của riêng mình, có điểm mạnh và cá tính riêng.
So sánh con bạn với người khác chỉ ngụ ý rằng trẻ không đủ tốt và làm thui chột đi sự tự tin của chúng. Ngoài ra khi bị so sánh, trẻ có thể cảm thấy áp lực, hình thành phản ứng ngược, chống đối hoặc phẫn nộ với cha mẹ.
"Nếu còn làm thế là ăn đòn đấy!"
Các mối đe dọa thường là kết quả của sự thất vọng của phụ huynh và hiếm khi tỏ ra hiệu quả. Chúng ta thốt ra những cảnh báo nhưng chưa chắc đã thực hiện được đúng như thế. Điều đó sớm muộn gì cũng sẽ khiến lời nói của cha mẹ mất đi sức mạnh vốn có. Các mối đe dọa đánh đòn hoặc dẫn tới việc đánh đòn đã được chứng minh là một cách không hiệu quả để thay đổi hành vi.
Thực tế, trẻ càng nhỏ thì càng mất nhiều thời gian để học. "Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ trẻ 2 tuổi lặp lại một hành vi sai trái trong cùng một ngày là 80% cho dù bạn sử dụng loại kỷ luật nào", tiến sĩ Murray Straus tiết lộ.
Ngay cả với những đứa trẻ lớn hơn, sử dụng bất kỳ biện pháp răn đe bạo lực nào cũng không mang lại kết quả chắc chắn. Vì vậy, sẽ hiệu quả hơn khi sử dụng một hệ thống các biện pháp khác như chuyển hướng chú ý, đưa trẻ ra khỏi tình huống đó hoặc phạt bé ngồi một chỗ suy nghĩ về hành động của mình (time out).
Theo TRÀ XANH (Dân Trí)