Những nghệ nhân “giữ hồn” nghề truyền thống

27/01/2023 - 03:32

 - Trải qua nhiều thăng trầm, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, như: Vẽ tranh kiếng, dệt thổ cẩm… vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát triển. Nhiều nghệ nhân yêu nghề, quyết tâm bám nghề, “giữ hồn” cho nghề truyền thống, góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa…

Độc đáo nghề vẽ tranh kiếng

Từng là một trong những nghề phát triển bậc nhất trong những năm 1990. Theo nhiều nghệ nhân làng nghề, thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề vẽ tranh kiếng từ năm 1990-2000, lúc này huyện Chợ Mới có hàng trăm hộ làm nghề, thu hút hàng ngàn lao động địa phương và các vùng lân cận.

Ông Nguyễn Thanh Hòa (chủ cơ sở sản xuất tranh kiếng Thanh Hòa, ngụ ấp Long Tân, xã Long Điền B) là một trong những người gìn giữ nghề truyền thống. Ông Hòa chia sẻ: “Hồi đó, làng nghề vẽ tranh kiếng “sung” lắm, có đến mấy trăm hộ hành nghề tại các địa phương: Long Điền B, Long Kiến, Long Giang… Tranh kiếng khi đó thịnh hành, nên các cơ sở làm ngày, làm đêm, đem bán khắp nơi, nhất là dịp Tết Nguyên đán, giờ chỉ còn vài hộ sản xuất cầm chừng, giữ nghề của cha ông”.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm

Hiện nay, cơ sở tranh kiếng của ông Hòa sản xuất hàng trăm mẫu với nhiều kích cỡ khác nhau. Ngoài tranh thờ cửu huyền thất tổ, tranh phật, còn có các loại tranh trang trí vẽ theo phong cách mới, đề tài rất phong phú. Ðể bắt kịp xu thế, các cơ sở đã không ngừng đổi mới, cải tiến mẫu mã, chất liệu để đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo ông Hòa, những năm gần đây, nhu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng tranh kiếng ngày càng nhiều. Ðây là tín hiệu đáng mừng cho nghề làm tranh kiếng truyền thống của địa phương.

“Gần đây, người thưởng thức tranh có sự hoài cổ, nhất là loại tranh đề tài dân gian. Về hình thức, loại tranh vẽ theo đề tài xưa được cách tân đôi chút, sinh động hơn về màu sắc, tinh tế hơn về đường nét, khuôn khổ cũng phong phú hơn nhưng nội dung vẫn giữ như trước đây. Người mua có thể dùng để treo tường, trang trí phòng khách hay bất cứ nơi nào, không nhất thiết phải làm theo kích cỡ của tranh treo cửa buồng như xưa” - ông Hòa chia sẻ.

Các nghệ nhân đang vẽ tranh kiếng thủ công

Theo ông Hòa, ngày xưa, tranh kiếng làm thủ công phải sơn tô từng nét rất kỳ công. Còn hiện nay, đa số được thiết kế trên máy vi tính với kỹ thuật tách màu in lụa, mỗi ngày có thể cho ra hàng chục bức tranh theo mẫu, nhưng độ tinh xảo không kém, giá thành rẻ nên đáp ứng được thị trường. Tuy nhiên, những tác phẩm làm thủ công vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường, dù giá thành cao gấp 4 - 5 lần so với kéo lụa.

 “Có những bức tranh mất 4 - 5 ngày nhưng có bức tranh phải mất hàng tháng. Vì thế, tranh kiếng thủ công thường chỉ làm theo đơn đặt hàng, yêu cầu của khách nên đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu về hội họa, khéo tay và trí tưởng tượng phong phú. Đặc biệt, người thợ phải thật sự thả hồn vào tác phẩm, với những nét vẽ uyển chuyển, dứt khoát, để tạo ra những tác phẩm đặc sắc, đáp ứng được yêu cầu khách hàng”- ông Hòa chia sẻ.

Gìn giữ văn hóa dân tộc

Tiếng kẽo kẹt của khung cửi là âm thanh không thể thiếu tại làng Chăm Châu Phong. Nếu đặt chân đến đây, chắc chắn bạn sẽ bị mê hoặc bởi những sản phẩm thổ cẩm được dệt tỉ mỉ, có độ tinh xảo cao, với nhiều màu sắc và hoa văn sắc nét. Ngày xưa, hầu như trong nhà người Chăm nào cũng có ít nhất một khung dệt và nghề dệt trở thành công việc mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết.

Theo ông Mohamad (ngụ ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, nghệ nhân có hơn 40 năm kinh nghiệm dệt thổ cẩm) chia sẻ: “Dệt thổ cẩm là nghề mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Các trẻ em nơi đây từ lúc 10 tuổi đã được tập những thao tác đơn giản nhất của nghề dệt truyền thống”.

Sản phẩm từ làng nghề dệt thổ cẩm Châu Phong không chỉ phục vụ nhu cầu của các gia đình người Chăm ở địa phương, mà còn là món quà độc đáo, thu hút nhiều du khách, như: Váy, áo, khăn đội đầu áo, xà rông, khăn choàng, túi xách và các mặt hàng lưu niệm… với màu sắc, hoa văn, họa tiết về sóng nước, vân mây, ô vuông, kẻ sọc, lồng đèn, bông dâu…

Đôi khi, họ còn tiếp thu những kiểu hoa văn mới lạ, đẹp mắt từ nơi khác kết hợp với kiểu hoa văn truyền thống để sáng tạo hoa văn mới, độc đáo… thêm phần sinh động, nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống.

Ông Mohamad rất tâm huyết “giữ lửa” nghề dệt thổ cẩm

Ông Mohamad cho biết, ngày nay, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm đã khác trước rất nhiều bởi thay bằng tơ công nghiệp, nhưng hoa văn và cách nhuộm vẫn giữ phong cách truyền thống. Các sản ngày càng đa dạng, vì giờ đây dưới đôi bàn tay khéo léo của những thôn nữ, những chiếc khăn choàng, khăn rằn, xà rông, túi đeo đã tinh xảo hơn.
 

Nhờ kỹ thuật dệt thủ công, với những nguyên liệu là sợi tơ được nhuộm bằng các nguyên liệu tự nhiên làm cho màu sắc trên sản phẩm sắc sảo, bền màu và mang đặc trưng riêng không lẫn với những sản phẩm ở nhiều địa phương khác.

Với kinh nghiệm trên 40 năm trong nghề và 3 đời gắn liền với nghề truyền thống này, ông Mohamad chia sẻ: “Nghề dệt này lắm công phu và phải thật sự tâm huyết với từng sản phẩm mà mình làm ra. Ngoài việc chọn chất liệu sợi phù hợp, nhuộm và phơi đúng cách thì nguời thợ phải tỉ mỉ trong việc mắc dọc đảm bảo không lỗi, mối nối giữ các sợi tơ phải thật thẩm mỹ, dệt ngang phải cho đều tay và uyển chuyển”.

Tái hiện nghề truyền thống dệt thổ cẩm Chăm qua chương trình nghệ thuật

Để giữ lại nghề truyền thống có tuổi thọ hàng trăm năm của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, ông Mohamad đã thành lập cơ sở dệt thổ cẩm Mohamad, huy động thợ làm tại chỗ hoặc gia công tại nhà của người dân. Nơi đây dần trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn được du khách gần xa, trong và ngoài nước chọn là điểm đến tham quan, du lịch.

Sự độc đáo của tranh kiếng ở chỗ phải vẽ ngược so với quy trình, chi tiết nào cần vẽ sau cùng phải vẽ đầu tiên, tức mặt vẽ là phía sau tấm kiếng và mặt chính của tranh phía còn lại. Vì vậy, người vẽ phải tư duy ngược để họa ra bố cục hợp lý, chữ phải viết chạy ngược từ phải qua trái. Khi tạo hình xong là đến công đoạn tô màu, tô bóng. Vẽ xong, người thợ lật tấm kiếng lại và các hình vẽ thành mặt chính của tranh. Thời gian hoàn thành bức tranh thủ công phụ thuộc vào kích thước, nội dung của bức tranh.

Để có một sản phẩm tinh xảo, chất lượng, đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn, thời gian với nhiều công cụ trong một quy trình sản xuất độc đáo, từ khâu chọn nguyên liệu sợi, nhuộm, phơi sợi, suốt, mắc sợi và dệt… Chất liệu chủ yếu được sử dụng là tơ công nghiệp nhưng được nhuộm thủ công từ màu thiên nhiên là nước nấu của cây rừng. Nhuộm màu sợi, màu vải là “bí quyết” được lưu truyền nhiều đời của người Chăm ở Châu Phong.

KHÁNH MY