Những người không về nhà đón Tết

12/01/2023 - 04:37

 - Tết là khoảng thời gian vui vẻ, đầm ấm khi các thành viên trong gia đình đoàn tụ cùng nhau. Tuy nhiên, vì muốn kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, trang trải tiền học phí, nhiều sinh viên, lao động quyết định ở lại TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) làm thêm xuyên Tết.

Một số quán cà-phê, quán ăn ở TP. Long Xuyên thường sẽ mở xuyên Tết để phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân. Chính vì thế, nhu cầu về nhân viên làm thời vụ trong thời điểm này khá cao, mức lương gấp 2-3 lần ngày thường. Do vậy, một số bạn trẻ, đa phần là sinh viên đã quyết định ở lại, tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi làm thêm để kiếm tiền tiêu Tết, mua sắm quà cho gia đình và trang trải tiền học phí.

Quê ở huyện Phú Tân, năm nay là năm đầu tiên, em Trần Thị Bích Châu (sinh viên năm thứ nhất, Trường Cao đẳng Nghề An Giang) quyết định ở lại TP. Long Xuyên trong những ngày Tết để làm việc, kiếm thêm thu nhập. Bích Châu đang vừa học, vừa làm với công việc phục vụ quán cà-phê. Dịp Tết này, em đăng ký với chủ quán làm từ 26 tháng Chạp đến mùng 8 Tết. Vì là Tết nên lương sẽ cao gấp đôi ngày thường, làm 1 ca 8 giờ, Bích Châu có thể kiếm được hơn 250.000 đồng.

“Em có xin chị chủ ngày 30 về nhà cúng giao thừa cùng ba mẹ, sáng mùng 1 Tết sẽ quay xuống để vô ca làm tiếp. Có gì mình phải nói trước để chủ quán lên lịch, sắp xếp ca trực có nhân viên phục vụ, đứng quầy, pha chế…” - Bích Châu chia sẻ.

Chọn công việc làm phục vụ quán cà-phê, Bích Châu vừa làm để có thêm thu nhập, phụ gia đình lo tiền học phí, sinh hoạt, vừa có thêm kinh nghiệm cho ngành học Quản trị nhà hàng của mình. “Đi làm những ngày gần Tết sẽ rất cực và mệt vì nhiều việc do thiếu nhân lực, nhưng bù lại đãi ngộ rất hấp dẫn. Đợt Tết này, mỗi ngày em đều đăng ký làm 2 ca, không chỉ kiếm được nhiều tiền hơn mà còn tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng mềm cho bản thân” - Bích Châu chia sẻ.

Đây cũng là năm đầu tiên, em Nguyễn Chí Cường (Trường Đại học An Giang) ở lại TP. Long Xuyên để làm thêm trong những ngày Tết. Để có chi phí học tập, Cường sắp xếp tối đa lịch học để có thời gian đi làm thêm, từ dạy thêm tin học căn bản, phục vụ quán ăn, chạy xe công nghệ… Mỗi công việc đều cho Cường trải nghiệm và khoản thu nhập trang trải tiền học phí, sinh hoạt.

“Ngày Tết, nhu cầu đi lại, mua sắm, chở hàng hóa của người dân sẽ nhiều hơn ngày thường. Bởi vậy, khi có lịch nghỉ Tết Nguyên đán của trường, thay vì về quê, em quyết định ở lại TP. Long Xuyên trong những ngày trước và trong Tết để chạy xe trên ứng dụng Gọi xe sinh viên để kiếm thêm thu nhập” - Cường chia sẻ.

Nhà ở huyện Chợ Mới nên Cường dự định làm đến chiều 30 Tết sẽ chạy về nhà đón Tết cùng gia đình, đến mùng 2 sẽ qua TP. Long Xuyên để tiếp tục đi làm. Mong muốn nhất vẫn là chở được nhiều khách, kiếm thêm được thu nhập, chuẩn bị được khoản học phí cho học kỳ tiếp theo.

Không chỉ có Cường, rất nhiều sinh viên quyết định ở lại TP. Long Xuyên làm thêm trong dịp Tết. Thông thường, một số bạn chơi chung nhóm, hoặc chung dãy trọ chia sẻ thông tin công việc thời vụ ngày Tết để mọi người cùng làm. Cường ở lại chạy xe chở khách, mua hàng giùm, còn bạn ở chung phòng trọ làm phục vụ quán ăn. Công việc mỗi người mỗi khác, nhưng có bạn bè ở cùng vào ngày Tết cũng đỡ buồn, tủi thân.

Hàng ngày, công việc chính của chị Nguyễn Thị Phụng (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) là bán bánh ở gần bến phà Vàm Cống, ngoài ra còn nhận làm nail tại nhà cho khách có nhu cầu. Gần 1 tháng nay, chị Phụng nhận thêm công việc giữ mai cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ hoa ở TP. Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp).

Thông thường, từ đầu tháng Chạp, chợ hoa kiểng ở nhiều nơi đã bắt đầu khởi động và nhộn nhịp dần vào những ngày cận Tết. Vì là chợ đầu mối, các nhà vườn sẽ chuyển mai lên chào bán với số lượng rất lớn nên cần thuê người giữ tiếp, tránh tình trạng bị mất trộm.

 “Bởi vậy, họ thuê mình giữ mai, ở suốt từ đầu tháng Chạp đến khoảng 29 Tết, chợ hoa dọn dẹp, công việc coi như xong. Nhờ công việc này mà mấy năm nay, tôi có được thêm một khoản thu nhập để lo Tết cho gia đình, sắm thêm mấy bộ đồ mới cho con cái” - chị Phụng giải thích.

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nên dù là phụ nữ nhưng chị Phụng vẫn rất chịu khó, làm đủ việc để kinh tế gia đình đỡ vất vả hơn, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Xong việc giữ mai, về đến nhà là chị bắt tay vào công việc làm nail tại nhà cho khách, có khi bận bịu đến gần thời điểm giao thừa mới xong. “Mấy ngày Tết, người ta được nghỉ làm đi chơi, sum họp gia đình, cần làm đẹp móng tay, chân, nhờ vậy mà tôi có việc làm, có thêm thu nhập. Dù cực mà có tiền vẫn vui” - chị Phụng vui vẻ.

ÁNH NGUYÊN