Chú bảo vệ Huỳnh Minh Tân xem đường sách TPHCM như ngôi nhà thứ hai của mình - Ảnh: VGP/Huy Phạm
Gắn bó với Đường sách TPHCM đã 5, 6 năm nay, với bảo vệ Huỳnh Minh Tân nơi đây giống như ngôi nhà thứ hai của ông. Ba mẹ đã mất nên niềm vui của ông là làm việc. Nhà ở tận Đồng Tháp nên chỉ ngày giỗ chạp ông xin nghỉ về làm mâm cơm, thắp hương cho ba mẹ còn lại thời gian gần như ông dành trọn ở nơi đây.
"Năm nay tôi 51 tuổi rồi, công việc bảo vệ ở đây trực 24/24. Mấy năm rồi, Tết năm nào tôi cũng ở lại đây trực Tết. Hôm nào nghỉ ngơi, đi cafe với bạn tôi cũng rủ qua đây. Tôi thích cái ồn ào náo nhiệt, thích cả lúc đường sách yên tĩnh như vậy. Xa lại thấy buồn buồn" - ông Tân cười hồn hậu.
Tại đường sách TPHCM, những tiểu cảnh xuân đã hoàn thiện rực rỡ sắc màu chào mừng bạn đọc đến vui xuân. Khác với không khí ồn ào náo nhiệt ngoài kia, bước vào đường sách TPHCM như bước vào thế giới khác, mùi thơm của sách khiến lòng người dịu lại. Dưới những hàng lá me bay, những em nhỏ, thanh niên, cụ già lặng yên đọc sách.
Gia đình chị Nguyễn Tuyết Thùy An năm đầu tiên đón Tết ở TPHCM - Ảnh: VGP/Huy Phạm
Gia đình chị Nguyễn Tuyết Thùy An (37 tuổi) bắt đầu đi chơi xuân sắm Tết từ hôm nay vì con gái chị mới được nghỉ học. Nhẹ nhàng lật những trang sách đọc cùng con, chị kể chuyện đây là năm đầu tiên cả nhà đón tết ở TPHCM. Hai mẹ con diện đồ cặp, thiên thần nhỏ 6 tuổi bẽn lẽn khi gặp người lạ nhưng khi thấy những tiểu cảnh rực rỡ sắc màu và những trang sách, ánh mắt cô bé rạng rỡ.
"Gia đình tôi ở Đà Lạt vừa chuyển về đây. Tôi làm bánh và đồ handmade. Thời sinh viên, tôi học ở Sài Gòn nên không khí Tết ở đây tôi không còn lạ lẫm, nhưng Tết đến vẫn xúc động bồi hồi lắm, con gái tôi lần đầu tiên đón tết thành phố nên rất háo hức. Hôm qua con gái mới được nghỉ học, nay cả nhà bắt đầu đi chơi, sắm sửa. Con thích sách nên điểm đến đầu tiên gia đình chọn là đường sách để cùng cháu lựa một số cuốn sách mà con thích", chị Thùy An mỉm cười.
Nhiều bạn trẻ đi du xuân, hào hứng chuẩn bị đón năm mới - Ảnh: VGP/Huy Phạm
Anh Tuyến (tài xế Bee) bảo ráng cày nốt những ngày Tết để có thêm tiền sắm sửa cho gia đình. Nhà cửa, sắm sang Tết đã có mẹ và các em lo, Tuyến mới ra trường nên ba mẹ cũng không quá đặt nặng vấn đề công việc.
"Nhà tôi ở Nghệ An, vé máy bay phải mấy triệu, đi tàu xe thì hơn ngày mới về được nên Tết tôi tranh thủ làm việc, ra rằm tôi về. Tôi mới ra trường, vẫn tìm việc làm, thời gian này tôi chạy xe thêm kiếm đồng ra đồng vào vừa có chi phí trang trải cho bản thân vừa phụ thêm ba mẹ. Ông bà lớn tuổi rồi. Tết chạy xe cũng được lắm, khách bo thêm 5 - 10 nghìn đồng nhiều khi thương, bo thêm vài chục", anh Tuyến nói.
Đường hoa Nguyễn Huệ luôn được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ để đón người dân, du khách - Ảnh: VGP/Huy Phạm
Bến xe miền Đông, sân bay Tân Sơn Nhất những ngày này tấp nập người người tay xách nách mang trở về nhà sau một năm làm việc, học tập.
Cũng có rất nhiều người ở lại thành phố vì đó là nơi họ sinh ra và lớn lên, vì kinh tế khó khăn muốn tiết kiệm tiền tàu xe gửi tiền về cho bố mẹ, vì chữa bệnh, hay như chú bảo vệ Huỳnh Minh Tân ở lại thành phố đón Tết đơn giản vì đã xem nơi đây như máu thịt, như ngôi nhà của mình…
Theo HUY PHẠM (Chính phù)