Lựa chọn những bông hoa hồng đạt độ nở chuẩn tại trang trại hoa ở Đà Lạt. (Ảnh: TTXVN)
Ðiều đáng nói là khi tiếp xúc với những nông dân này, từ họ toát lên phong thái, hành vi, cách tư duy và sự trải nghiệm văn hóa rất khác. Họ là những nông dân đặc biệt, những nông dân-thị dân. Tôi từng bất ngờ khi có dịp khám phá tủ sách của những người làm vườn Ðà Lạt, với nhiều bộ sách văn học cổ điển, những ấn phẩm ngoại văn và những bộ từ điển bách khoa nổi tiếng thế giới. Tôi cũng đã được những người nông dân sống ở ngoại ô thành phố mời đến nhà ngắm vườn, uống rượu vang và nghe nhạc L.Beethoven, W.A.Mozart hay J.S.Bach…
Tư duy làm nông nghiệp của nông dân Ðà Lạt mang trong đó dấu ấn lịch sử, văn hóa với những đặc trưng của cư dân nông nghiệp sống giữa đô thị, tiếp cận sớm với sản xuất hàng hóa. Ngay từ buổi đầu lập phố, năm 1898, một trạm khảo nghiệm nông nghiệp đã được thiết lập ở vùng Ðăng Kia do kỹ sư người Pháp quản lý, đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu và thực nghiệm các loại cây trồng. Ðó là cơ sở ban đầu cho việc tạo lập việc sản xuất nông nghiệp với lối canh tác tiên tiến.
Ðặc biệt, khác với thực tế một số địa phương khác trong nước cố gắng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm thực hiện “ly nông bất ly hương” thì ở Ðà Lạt, nhiều người trẻ vẫn sống giữa quê hương và cũng không có tư tưởng xa rời nghề nông. Họ vẫn bám lấy mảnh đất ông bà, bắt kịp xu thế phát triển, lập nghiệp, làm giàu bằng chính nội lực và trí tuệ của một thế hệ nông dân hiện đại. Nông dân Ðà Lạt đã và đang vận hành nền kinh tế nông nghiệp theo cách của họ. Ở thành phố này, có rất nhiều gia đình nông dân lập phòng thí nghiệm, nuôi cấy mô tạo nguồn giống cho chính vườn nhà.
Tôi cũng quen biết những nông dân bỏ tiền đầu tư cho con cái đi du học nước ngoài rồi trở về lập nghiệp bằng nghề làm vườn truyền thống gia đình. Có những nông dân dám bỏ rất nhiều tiền ra mua giống hoa từ nước ngoài về, tự mày mò canh tác. Có những nhóm nông dân rủ nhau khăn gói qua Nhật Bản, Hàn Quốc tìm thị trường xuất khẩu cho cây rau họ trồng để mang lại giá trị cao hơn. Ðà Lạt bây giờ không hiếm những nông dân trẻ năng động, tự tin với vốn liếng kiến thức và kinh nghiệm tích lũy cùng bắt tay nhau lập hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết. Từ những kết nối ấy mà những mảnh vườn manh mún trở thành những trang trại có quy mô lớn, công nghệ cao, khép kín quy trình từ đầu vào sản xuất đến sản phẩm đầu ra hoàn thiện.
Những nông dân ấy xuôi nam ngược bắc, bình đẳng đàm phán với các nhà phân phối, các chuỗi siêu thị lớn để tạo cơ hội cho sản phẩm của họ đến được với nhiều thị trường và thu về giá trị cao nhất. Tôi cũng đã gặp nhiều nông dân trẻ ngồi cà-phê buổi sáng bên bờ hồ Xuân Hương, mắt không rời chiếc điện thoại thông minh trên tay. Nếu tìm hiểu thì họ đang điều khiển quy trình kỹ thuật canh tác tại vườn và theo dõi đường lưu chuyển các dòng sản phẩm trên phần mềm ứng dụng…
Có thể nói thêm nhiều điều về một thế hệ nông dân Ðà Lạt hiện đại, nhưng tôi muốn kết thúc bằng lời của nhà nông học, GS, TS Dương Tấn Nhựt (Viện Khoa học Tự nhiên vùng Tây Nguyên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam): “Với nông dân Ðà Lạt, ngay cả các nhà khoa học như chúng tôi cũng học được ở họ nhiều điều, đó là sự chuyên tâm đổi mới tư duy, tiếp cận nhanh với khoa học và công nghệ hiện đại. Ðiều này thì nông dân ít nơi sánh bằng”.
Theo UÔNG THÁI BIỂU (Nhân Dân)