Những sáng kiến của người lính biên phòng

20/02/2024 - 06:20

 - Sáng tạo mô hình, học cụ, cải tiến kỹ thuật phục vụ công tác huấn luyện là nội dung mới, được phát động rộng rãi đến cán bộ huấn luyện trẻ tuổi, “nâng cấp” thành hội thi trong lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP).

Sản phẩm tham gia dự thi

Trung úy Trần Tuấn Khoa (Đội trưởng vũ trang Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, tỉnh An Giang) nhận thấy, trong bài tập ngắm bia chỉ đỏ, sau khi người tập lấy xong đường ngắm, cán bộ kiểm tra phải nhận biết, kiểm tra lại đường ngắm một cách thủ công giống như người tập. Cách làm này khiến thời gian kiểm tra, thực hành ngắm bia chỉ đỏ kéo dài, kết quả kiểm tra không chính xác, không thể trực quan, sinh động.

Vì vậy, anh đề xuất dùng tia lazer làm công cụ hỗ trợ xác định đường ngắm, bởi tính định hướng cao và khả năng chiếu xa, không bị phân tán. Anh sử dụng thiết bị liên kết giữa súng và đèn lazer (làm bằng hợp kim, dễ tháo lắp), đèn lazer công suất cao, chiếu xa ban ngày từ 150 - 200m. Tất cả nguyên, vật liệu (đèn, pin, khung thiết bị liên kết, thiết bị điều chỉnh tầm - hướng…) chỉ tốn khoảng 400.000 đồng.

“Sau khi lấy đường ngắm, người kiểm tra chỉ cần bật tia lazer, điểm sáng trên bảng chỉ đỏ chính là điểm ngắm mà người tập lấy được, phản ánh độ chính xác của đường ngắm. Người kiểm tra không mất quá nhiều thời gian, người tập hoàn toàn có thể tự kiểm tra, thấy kết quả ngắm bắn của mình” – trung úy Trần Tuấn Khoa chia sẻ. Sáng kiến này tuy đơn giản, nhưng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ cấp trên.

Cũng với tinh thần nghiên cứu nâng chất học cụ, mô hình huấn luyện, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Vĩnh Hội Đông “trình làng” mô hình hệ thống bia ánh sáng dùng huấn luyện chiến thuật đêm. Thời gian qua, khi cán bộ giới thiệu mục tiêu (bia số 6, 7, 10), do trời tối, đa phần chiến sĩ chưa xác định vị trí mục tiêu đã bố trí ngoài thực địa.

Mô hình mới giúp tạo sự đột phá trong huấn luyện chiến thuật và kỹ thuật chiến đấu bộ binh. Thiết kế đơn giản, dễ làm, dễ tìm vật liệu (chủ yếu là tole, đèn, cảm biến ánh sáng), giá thành khoảng 200.000 đồng, sử dụng lâu dài (từ 5 - 7 năm), giảm chi phí cho những năm tiếp theo, sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết.

Thiếu tá Chau Si Na (Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhơn Hội) cho biết: “Chúng tôi mong muốn nâng cao kỹ năng bắn đạn thật bằng súng đại liên phục vụ hội thi, hội thao, diễn tập, đảm bảo nhanh về mặt thời gian, giảm quân số trong công tác chuẩn bị đạn. Vì vậy, sản phẩm “Máy lắp đạn vào dây băng đại liên” được hình thành, gồm khung kẽm, tay quay, các loại nhông và trục quay, gối đẩy, dĩa kéo dây bằng đạn…

Khi quay tay quay, các loại nhông sẽ chuyển động theo, thông qua bánh răng và trục liên kết với bộ phận dĩa kéo dây băng đạn. Gối đẩy sẽ quay theo, đẩy bộ phận lò xo và trục đẩy, đẩy viên đạn từ bộ phận chứa đạn, nạp đạn vào dây băng đạn. Cứ như vậy, máy chuyển động liên tục cho đến khi hết đạn”. Ưu điểm của chiếc máy này là cấu tạo gọn nhẹ, dễ sử dụng, không cần nhiều người vẫn có thể lắp đạn số lượng lớn, ít mất thời gian, lại đảm bảo an toàn. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 900.000 đồng.

Có lẽ, sản phẩm gây ấn tượng nhất với đại biểu tham quan là quả khói tạo giả quả khói chiến thuật của thượng úy Lê Văn Nguyên (Đội trưởng vũ trang Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương). Sản phẩm nhỏ gọn trong lòng bàn tay, được chế tạo từ nguyên liệu rẻ, nhưng mang tính ứng dụng cao. Vỏ quả khói được làm từ bìa carton, ống nhựa, ống tre. Chất tạo khói là phân bón KN03, đường, baking soda. Sản phẩm này có thể thay thế quả khói quân sự cấp phát, tạo màn khói tượng trưng chất độc địch tập kích; áp dụng trong huấn luyện chiến thuật, bài 2AK, phòng hóa phổ thông, diễn tập…

Vừa đốt quả khói trình diễn, thượng úy Lê Văn Nguyên vừa chia sẻ: “Chỉ với 1kg đường, có thể tạo ra nhiều quả khói như thế, tính ra giá thành mỗi quả khoảng 25.000 đồng. Huấn luyện chiến thuật, huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh, huấn luyện phòng hóa phổ thông, diễn tập là các nội dung quan trọng xuyên suốt trong quá trình huấn luyện tại đơn vị quân đội, chiếm 60% thời gian huấn luyện của các bài tập. Tôi mong muốn quả khói tạo được hứng thú cho người học, có thể triển khai rộng rãi trong quá trình huấn luyện, diễn tập”.

Mô hình học cụ, sáng kiến, cải tiến công tác huấn luyện là một phần trong các nội dung của Hội thi công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2024 của BĐBP tỉnh. Mỗi sản phẩm, sáng kiến dù lớn, dù nhỏ đều thể hiện tinh thần tự nghiên cứu, mày mò, học hỏi của người lính biên phòng. Từng đơn vị, cá nhân dành thời gian suy nghĩ, “thêm thắt”, cải tiến mô hình học cụ chưa hợp lý trong quá trình huấn luyện thực tế, để nâng cao hiệu quả tối đa. Sản phẩm được đánh giá cao khi hội đủ yếu tố: Có nhiều đặc điểm, tính năng ưu việt; chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao, dễ sản xuất; phù hợp điều kiện và yêu cầu huấn luyện của đơn vị cơ sở trong BĐBP; chưa từng tham gia cuộc thi nào.

“Các sản phẩm, sáng kiến, cải tiến nhìn chung có chất lượng tốt, áp dụng tương đối hiệu quả vào thực tiễn huấn luyện chiến đấu tại cơ quan, đơn vị. Nhiều sản phẩm được đầu tư nghiên cứu khá công phu, với cách tiếp cận, khai thác vấn đề mang tính ứng dụng cao trong huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị có sản phẩm đoạt giải tiếp tục bổ sung, cải tiến, sửa chữa hoàn thiện hơn nữa để tham gia hội thi cấp Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức, phấn đấu đạt kết quả cao. Các sản phẩm còn lại cần được tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, khắc phục hạn chế đã được thành viên ban tổ chức hội thi chỉ ra, hướng đến mục tiêu áp dụng hiệu quả vào thực tiễn huấn luyện chiến đấu tại đơn vị” – đại tá Trần Ngọc Châu, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh, Trưởng ban Tổ chức hội thi thông tin.

GIA KHÁNH