Niềm tự hào của giai cấp công nhân Việt Nam

19/08/2018 - 09:37

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (20-8-1888 _ 20-8-2018), ngày 18-8, tại TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo 'Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam'.

Tham dự có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM...

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung trao đổi với các đại biểu tại hội thảo

Người thợ Ba Son tài trí

Mở đầu hội thảo, đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh, hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ cộng sản tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam đã vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc, sự khốc liệt của đấu tranh, luôn gắn bó với đồng chí, đồng bào, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bác Tôn là một trong những chiến sĩ lớp đầu phong trào công nhân, người đã thành lập Công hội bí mật - tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Từ thực tiễn vận động thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần quan trọng vào việc đặt cơ sở, nền móng cho lý luận, nghiệp vụ công tác Công đoàn Việt Nam. 
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận ôn lại cuộc đời, sự nghiệp đấu tranh cũng như những câu chuyện cảm động về Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Dù phân tích ở khía cạnh nào, các đại biểu cũng nhấn mạnh Bác Tôn là một người cách mạng với phẩm chất đạo đức sáng ngời, luôn chuyên cần, siêng năng, chăm chỉ, sống cuộc đời bình dị, đạm bạc, thanh cao, luôn giữ lòng thanh liêm, chính trực, trong sáng và nhất là hết lòng vì nước, vì dân.

Theo GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, sự độc đáo trong lựa chọn lý tưởng của Bác Tôn chính là chọn con đường vô sản hóa, con đường làm một người thợ. Chính con đường này đã giúp Bác Tôn hòa nhập, vận động, tập hợp, khơi dậy sức mạnh của công nhân chống lại tư bản bóc lột thông qua những cuộc bãi công, bãi khóa mà nổi bật là lãnh đạo công nhân Ba Son bãi công, giam chân tàu chiến Michilet vào tháng 8-1925. Sự thắng lợi của cuộc đấu tranh mang tính chất chính trị nhằm đòi những yêu sách kinh tế đã thành công, buộc giới chủ phải tăng lương cho tất cả công nhân lên 20%, phải gọi những người thợ bị đuổi việc trong các cuộc đình công trước đây trở lại làm việc và ngày lĩnh lương phải cho nghỉ trước nửa giờ như thường lệ. Cuộc đấu tranh mở đầu cho một giai đoạn mới đánh dấu giai cấp công nhân Việt Nam đã chuyển từ đấu tranh tự phát lên đấu tranh tự giác.

GS-TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, chính sự mở đầu này đã giúp Bác Tôn đi đến lý tưởng, con đường cứu nước. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã bắt đầu từ trái tim người thanh niên giàu nhiệt huyết yêu nước - trở thành người công nhân yêu nước - đến người công nhân quốc tế - rồi công nhân cách mạng - và thành người chiến sĩ cộng sản. Con đường tự nhiên ấy hình thành đúng quy luật vận động của cách mạng Việt Nam.

Người lãnh tụ giản dị, khiêm nhường

Chia sẻ những tình cảm của Bác Tôn đối với nhân dân, đồng bào khi đã ở cương vị Chủ tịch nước, TS Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản, ngưỡng mộ sự giản dị của vị lãnh tụ tài ba đất An Giang. Câu chuyện khi Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng về thăm lại quê hương, mặc chiếc áo nối đã sờn vai, bà con hỏi rằng vì sao giờ đã là Chủ tịch nước Bác lại mặc chiếc áo nối ấy? Bác Tôn từ tốn trả lời: “Chủ tịch nước mặc như thế để cho dân được ấm lòng”.

Sự giản dị, khiêm nhường của Bác Tôn cũng được GS-TS Hoàng Chí Bảo, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết, dù là Chủ tịch nước nhưng bao giờ Bác Tôn cũng nghĩ mình là người thực thi quyền lực của nhân dân. “Bác Tôn từng nói từ Bác chỉ dành riêng cho Bác Hồ thôi, các đồng chí hãy gọi tôi là đồng chí. Bác Tôn cũng ít khi dùng ô tô, từ chối được cấp nhà, đất. Trong nhà thì có bộ đồ nghề, ai mượn cũng được. Thậm chí Bác còn tự tay sửa xe cho mình và anh em khác”, GS-TS Hoàng Chí Bảo nói và cho rằng đây chính là điều chúng ta cần soi rọi, thực hành trong ngày nay để lấy lại niềm tin của nhân dân cũng như góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Chính sự nói ít, làm nhiều đã nói lên tư tưởng của vị Chủ tịch nước hết lòng vì nước, vì dân ấy.

Nhắc lại các phong trào đấu tranh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đồng chí Võ Thị Dung bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những cống hiến của người lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam. Bác Tôn là nguồn động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động và nhân dân TP học tập. “Sài Gòn - Gia Định - TPHCM rất tự hào là nơi có nhiều sự kiện gắn liền quá trình hoạt động của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình trong sự phát triển vì cả nước, cùng cả nước, đội ngũ cán bộ đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động TPHCM luôn tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, học tập gương chiến đấu, cống hiến hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người cộng sản kiên trung, tấm gương mẫu mực về đức hy sinh và kiên trung với Đảng với nhân dân”, đồng chí Võ Thị Dung khẳng định.

Ngày 18-8, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cùng đoàn công tác của MTTQ Việt Nam đã đến làm việc với tỉnh An Giang và tham gia các hoạt động nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Đoàn đã dâng hương trước tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên; sau đó trao 20 phần quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo xã Mỹ Hòa Hưng và phường Mỹ Hòa (thành phố Long Xuyên); dự khánh thành khu dân cư đại đoàn kết tại phường Mỹ Hòa và hỗ trợ 42 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn. (HUỲNH LỢI)

Theo THÁI PHƯƠNG (SGGP)

 

Liên kết hữu ích