Nỗ lực chăm sóc sức khỏe Nhân dân

28/02/2024 - 07:26

 - Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, thời gian qua, hệ thống y tế cơ sở đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường về lực lượng, nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới phương thức hoạt động. Từ đó, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Châu Phú chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Trung tâm Y tế huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) được xây dựng trên khuôn viên 41.000m2; với 152 giường, thực kê 198 giường; 380 cán bộ, y bác sĩ và nhân viên; có 4 phòng, 14 khoa lâm sàng, cận lâm sàng và 13 trạm y tế xã, thị trấn, đạt chuẩn bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, dự phòng và xanh - sạch - đẹp. Với 3 chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, KCB, phục hồi chức năng, an toàn thực phẩm, dân số… Xác định nâng cao chất lượng KCB là khâu đột phá, động lực phát triển, đơn vị không ngừng nâng cao chất lượng cấp cứu, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh, thay đổi nhận thức, hành vi và tác phong làm việc của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, viên chức, người lao động để cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả và mang lại sự hài lòng cho người bệnh.

Bác sĩ Trần Ngọc Phú (Khoa Hồi sức cấp cứu) cho biết: “Là bác sĩ cấp cứu, tôi và các đồng nghiệp phải nhanh chóng tiếp nhận, xử lý các ca bệnh. Không ngừng nâng cao chuyên môn, thường xuyên cập nhật các phác đồ điều trị, tham gia các buổi tập huấn, hội thảo, các lớp đào tạo… nhằm chăm sóc và bảo vệ tốt sức khỏe bệnh nhân”. Bà Nguyễn Thị Chọn (ngụ thị trấn Cái Dầu) chia sẻ: “Tôi bị cao huyết áp, nhập viện vào ban đêm nhưng các bác sĩ rất tận tình thăm khám điều trị, bệnh viện rất thoải mái, sạch sẽ”.

Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện Châu Phú huy động các nguồn lực để đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang. Đưa vào hoạt động khu khám bệnh mới với kinh phí đầu tư khoảng 12 tỷ đồng, tiếp cận được nguồn đầu tư trang thiết bị y tế để có hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại đồng bộ, các y, bác sĩ triển khai áp dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng KCB, tạo được lòng tin của người dân. Đơn vị vẫn duy trì bãi giữ xe miễn phí cho người dân đến KCB, ước tính kinh phí thu khoảng 1 tỷ đồng/năm. Tỷ lệ hài lòng của người bệnh ngoại trú đạt 94,49%, nội trú đạt 96,34%; sự hài lòng của cán bộ viên chức, người lao động đạt hơn 95%.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Huy (Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Phú) cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế, gồm: Y tế dự phòng; KCB, phục hồi chức năng; y dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình. Kiện toàn và ổn định mô hình tổ chức hệ thống y tế từ huyện đến xã; vừa củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, vừa phát triển các khoa chuyên sâu; tăng cường đầu tư phát triển y tế, phát triển y học hiện đại gắn với y học cổ truyền. Củng cố, phát triển mạng lưới y tế dự phòng theo hướng tập trung, tăng cường hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo đủ khả năng dự báo, kiểm soát bệnh tật...

Phát triển mạng lưới y tế ở vùng biên

Để người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn, nhất là bà con ở vùng biên giới, dân tộc, ngành y tế huyện An Phú được quan tâm đầu tư mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp Nhân dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng tại cơ sở, tiết kiệm chi phí và giảm tải ở tuyến trên. Điển hình là Trạm Y tế xã Quốc Thái được nhà nước đầu tư trên 3 tỷ đồng nâng cấp các phòng chức năng đáp ứng nhu cầu KCB tại chỗ và trung bình mỗi tháng có khoảng 500 lượt người đến KCB.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thu (30 tuổi, ngụ ấp Quốc Phú, xã Quốc Thái) có hoàn cảnh rất khó khăn, vợ chồng lên làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh để có tiền nuôi 2 con nhỏ. Tết Nguyên đán vừa rồi, chị về quê và ở lại không đi làm để chờ sinh con thứ 3. Không đủ tiền để đến bệnh viện chờ sinh, chị Thu “sinh rớt” tại nhà sớm hơn dự kiến 2 tuần. Biết hoàn cảnh khó khăn của chị Thu, các y, bác sĩ của Trạm Y tế xã Quốc Thái nhanh chóng có mặt tại nhà sản phụ cấp cứu kịp thời và chuyển về trạm y tế để đủ điều kiện chăm sóc cho 2 mẹ con tốt hơn; vận động trên 4 triệu đồng giúp chị Thu có tiền nuôi con…

Dược sĩ Nguyễn Minh Hiển (Trưởng trạm Y tế xã Quốc Thái) cho biết, trạm có 8 nhân sự (1 bác sĩ, 2 dược sĩ đại học, 1 cao đẳng hộ sinh, 4 y sĩ đa khoa). Mạng lưới hoạt động của trạm được hình thành theo chuỗi kết nối từ xã đến ấp và các cộng tác viên ở địa bàn, chịu trách nhiệm thực hiện chuyển tải tất cả thông tin chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đến người dân. Thực hiện KCB bảo hiểm y tế, quản lý và điều trị một số bệnh mãn tính không lây (tăng huyết áp, đái tháo đường...). Qua đó, chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh ngày càng nâng lên, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân…

TRỌNG TÍN - P. TUẤN