Nỗ lực “gieo chữ” vùng đất núi mùa dịch COVID-19

30/09/2021 - 03:36

 - Bình thường, việc huy động học sinh đến trường ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã khó khăn thì trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, càng gian nan gấp bội. Để gieo được con chữ trong mùa dịch này, các thầy, cô giáo của Trường THCS Ô Lâm (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã phải cố gắng rất nhiều.

Tặng tập, sách giáo khoa cho học sinh nghèo để các em tiếp tục đến trường

Còn đó những khó khăn

Theo kế hoạch, năm học 2021-2022, tổng số học sinh của Trường THCS Ô Lâm là 638 em (trên 600 học sinh DTTS Khmer), trong đó có 107 em học sinh có gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tạị vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng học sinh tham gia học online được chỉ chiếm 56,7%.

Trong thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp thì việc áp dụng hình thức dạy và học online (trực tuyến) được xem là giải pháp hữu hiệu, đảm bảo an toàn cho các em học sinh. Phương pháp dạy và học online thể hiện nhiều ưu điểm về việc linh hoạt thời gian, địa điểm học tập, học sinh và giáo viên có thể trao đổi dễ dàng qua ứng dụng Zalo, cũng như lưu trữ tài liệu, thông tin, phụ huynh có thể theo dõi việc học tập của con em mình ngay tại nhà…

Tuy nhiên, với địa phương còn khó khăn, có đông đồng bào DTTS Khmer như xã Ô Lâm, việc dạy học online vẫn còn gặp khó khăn, bất cập và chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Phần đông các em học sinh chưa chủ động được phương tiện phục vụ học online: không có điện thoại hoặc máy tính cá nhân, chủ yếu là mượn của cha mẹ nên có hôm người nhà lấy đi công việc riêng; mạng yếu, chập chờn hay bị cúp điện… Đó là chưa kể đến việc các em không biết nhập đường link để vào lớp học, không thấy được hình ảnh bài giảng giáo viên chia sẻ vào nhóm…

“Do mới được áp dụng nên khả năng tiếp thu kiến thức không đầy đủ, nhất là đối với các em học sinh khối 6 còn rất bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, giáo viên vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm dạy học online, khó quản lý được học sinh, các em dễ phân tâm bởi các trang mạng xã hội hoặc trang web khác, dễ nhàm chán khi ngồi một chỗ và đối diện với màn hình nhỏ của điện thoại nên giảm khả năng tiếp thu… Còn riêng đối với các em không có phương tiện học tập online, nhà lại ở nơi cách biệt gò đồng, chân núi hẻo lánh thì xem như không theo học được” - Hiệu trưởng Trường THCS Ô Lâm Chau Mô Ni Sóc Kha giải thích.

Nỗ lực “nuôi con chữ”

Xã Ô Lâm có 6 ấp nhưng gắn liền với 38 phum nhỏ trải dài từ kinh tăng vụ lên đến chân núi. Giáo viên công tác trên địa bàn xã Ô Lâm ngoài nhiệm vụ giáo dục, phải am hiểu địa bàn dân cư nơi đây thì việc dạy và học mới có thể mang lại hiệu quả.

Thầy Chau Mô Ni Sóc Kha cho biết, ngay từ trong hè, các giáo viên của trường được Ban Giám hiệu phân công nhiệm vụ cụ thể. Đầu tiên là đến các ấp để thống kê số liệu học sinh THCS chưa ra lớp theo mẫu của văn phòng cung cấp. Theo đó, sẽ có 1 mẫu dành riêng cho học sinh có sổ hộ nghèo, cận nghèo và chọn những em khó khăn nhất, mời vào trường học online tại phòng tin học thay cho hình thức giao bài tại nhà.

Ngoài ra, sau khi đi cơ sở nếu biết được học sinh chưa có tập sẽ lên danh sách để nhà trường vận động nhà hảo tâm hỗ trợ, còn sách giáo khoa sẽ được trường cho mượn để phục vụ việc học tập. Đối với các em học sinh không có điều kiện theo học trực tuyến, nhà trường lên phương án phân công cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên là người địa phương (hỗ trợ ngôn ngữ) hàng tuần đến tận nhà giao từng bài giảng (tài liệu photo) cho các em học sinh.

Mới đây, thầy Chau Mô Ni Sóc Kha cùng một số giáo viên đã về ấp Phú Lâm, là địa bàn xa nhất của xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn) - nơi có học trò đang theo học tại Trường THCS Ô Lâm. Theo thầy Sóc Kha, đơn giản vì ấp Phú Lâm cách trung tâm xã Lương An Trà gần 10km, mà từ xã Ô Lâm đến đây chỉ cần qua vài cây cầu treo, dọc theo đường bờ kinh chừng 3km. Ấp Phú Lâm có tỷ lệ bỏ học rất cao, không chỉ riêng mùa dịch mà nhiều năm trước cũng diễn ra tình trạng này, năm nay dịch bệnh ảnh hưởng, khó khăn thì tình trạng bỏ học lại càng diễn ra nhiều hơn.

Vậy là, thầy Chau Mô Ni Sóc Kha cùng một số giáo viên của trường đã đi đến tận nơi để liên hệ gia đình, vận động cho các em ra lớp, quay trở về trường học tập với thầy cô, bạn bè. “Những ngày dịch này, phải xin giấy đi đường qua 2 xã, khó khăn là vậy nhưng các thầy cô đều quyết tâm đến nhà để vận động 14 trò quay trở lại cùng học tập với bạn bè, tiếp tục ước mơ cùng con chữ” - thầy Sóc Kha chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Ô Lâm Chau Mô Ni Sóc Kha, trường có 28 em học sinh còn kẹt lại ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Sóc Trăng… do hè vừa rồi đi thăm gia đình, dịch bệnh ảnh hưởng nên vẫn chưa trở về địa phương để học tập. Thời gian qua, nhà trường đã cố gắng liên hệ, cung cấp lịch học trực tuyến của trường cho các em để nắm bắt thông tin kịp thời về bài học. Trường đã liên hệ để làm đơn cho các em có thể quay về địa phương tiếp tục học tập.