Nỗi lo nhà vệ sinh trường học

09/09/2019 - 07:33

 - Nhiều phụ huynh bày tỏ sự sốt ruột khi nghe con than “Ước gì nhà vệ sinh của con sạch sẽ”, “Ước gì nhà vệ sinh xây mới”. Nỗi ám ảnh của học sinh, đặc biệt là học sinh nữ chính là nhà vệ sinh quá bẩn, bốc mùi. Là nơi phục vụ nhu cầu căn bản nhất của con người nhưng nhà vệ sinh ở một số trường học hiện nay vẫn chưa được quan tâm, cải thiện và ý thức giữ gìn chung của tập thể chưa cao.

Nhà vệ sinh một trường tiểu học được bố trí dép đi riêng cho học sinh

So với những năm trước, nhà vệ sinh trong trường học đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đầu năm học, các đoàn kiểm tra về cơ sở vật chất phòng học, trang thiết bị phục vụ giảng dạy còn đánh giá cả chất lượng nhà vệ sinh. Chuyện tưởng nhỏ nhưng nhà vệ sinh trong trường là vấn đề được lãnh đạo tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý các địa phương, trường học tập trung quan tâm trong năm học này. Theo đó, cần rà soát, dựa trên tình hình, các trường học phải có giải pháp cải tạo và xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo theo tiêu chuẩn. Thực tế, nhà vệ sinh là hạng mục không thể thiếu trong trường học, nhưng tình trạng nhà vệ sinh… bị mất vệ sinh tồn tại khá phổ biến ở nhiều trường, trở thành nỗi ám ảnh của học sinh và nỗi lo của phụ huynh. Chị K.L., có con học lớp 7 chia sẻ: “Nghe con nói đến trường không dám đi vệ sinh, phải hạn chế uống nước, có buổi cố nhịn để về nhà… Nghĩ lại ở trường học nhà vệ sinh chỉ vài phòng, lượng học sinh trong giờ ra chơi rất đông, quá tải là chuyện khó tránh khỏi, chưa kể ý thức các em trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Chuyện bức thiết song cha mẹ cũng ngại góp ý riêng với nhà trường, sợ con mình bị chú ý”. Cùng tâm trạng với chị L., nhiều phụ huynh cũng bày tỏ về vấn đề này, đặc biệt ở vùng nông thôn, mỗi điểm trường tiểu học chỉ có 2 phòng vệ sinh phân biệt nam và nữ. Nỗi khổ chung là các em không dám đi vệ sinh trong trường vì quá bẩn, bốc mùi hôi, chỉ mong nhà trường sớm khắc phục để có nhà vệ sinh đảm bảo, an toàn. Ngoài những người e ngại ý kiến với nhà trường vì sợ con “bị đì”, thì một số phụ huynh cho biết đã nêu ý kiến nhiều năm vẫn không cải thiện, nhà trường ghi nhận xong đâu vẫn vào đó, bởi nhà vệ sinh chỉ được xem là công trình phụ, không được ưu tiên bằng các hạng mục khác khi xây dựng, sửa chữa mới, kinh phí thì có hạn…

Những nguyên nhân của thực trạng này là nhà vệ sinh được xây dựng từ lâu, chưa được sửa chữa dẫn đến xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn vệ sinh chung của học sinh còn kém, có nơi nhà vệ sinh của học sinh xây dựng cặp với nhà vệ sinh của giáo viên, nhưng bên người lớn thì người lớn lo, còn học sinh thì…học sinh lo! Anh K.K., đại diện Hội cha mẹ học sinh một trường tiểu học bày tỏ: “Không thể đổ thừa hết cho việc xuống cấp, quá tải hay không có lao công, cái chính là ý thức học sinh. Cần giáo dục các em ý thức ngay từ lớp nhỏ nhất, phần này thuộc trách nhiệm của nhà trường nhiều hơn, nên cử người kiểm tra, nhắc nhở, vệ sinh định kỳ thì có xây dựng lâu đến mấy vẫn có thể sử dụng được. Với những nơi xuống cấp, cần thiết thực hiện xã hội hóa để xây dựng lại đảm bảo tiêu chuẩn”. Ngay cả giáo viên trong trường cũng thấy bất tiện với thực trạng này. Thầy M.T. là giáo viên chuyên, thường họp luân phiên các trường học cho biết, các trường thuộc địa bàn xã, điểm phụ có thực trạng chung là nhà vệ sinh chưa đảm bảo. Cá biệt có điểm phụ quy mô nhỏ còn không có nhà vệ sinh. Theo thầy T., có 3 nguyên nhân trong thực trạng này: phòng xây dựng lâu năm xuống cấp, ý thức giữ gìn vệ sinh của học sinh, giáo viên không quan tâm nhắc nhở. Có trường dù cơ sở vật chất còn hạn chế nhưng vẫn bỏ ra 400.000 đồng/tháng cho bảo vệ thực hiện vệ sinh định kỳ 1-2 lần tuần, sáng kiến treo lá dứa trong phòng để giảm mùi hôi, bố trí rất nhiều dép trước cửa phòng vệ sinh để các em học sinh sửa dụng thay thế, đảm bảo sạch sẽ. Thầy T. ý kiến: “Trong tình trạng chung còn thiếu kinh phí và điều kiện để sửa chữa thì trước mắt các trường học cần quan tâm khắc phục thực trạng mất vệ sinh, mùi hôi. Đồng thời, phải đảm bảo nước sạch và giáo dục, hướng dẫn học sinh cùng giữ gìn môi trường chung. Xã hội hóa để sửa chữa, cải tạo nhà vệ sinh là vấn đề không khó, vì liên quan trực tiếp đến nhu cầu, sức khỏe của con em phụ huynh. Ban giám hiệu nhà trường cần quan tâm, xem đây là hạng mục quan trọng như các hạng mục cơ sở vật chất khác”.

MỸ HẠNH